Mới đây, trong tờ trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng giai đoạn 2021 – 2025”, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đánh giá chung về kết quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT) thời gian qua.

Theo đó,  tính đến năm 2019, Đề án 99 đã triển khai được 5 năm. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngân sách nhà nước, trong 5 năm qua các cơ quan, các đơn vị đã cố gắng huy động kinh phí từ các nguồn khác nhau để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về ATANTT phục vụ yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Cụ thể, từ giai đoạn 2014-2019, tính tổng cộng đã cử được 100 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở nước ngoài tại 11 nước trên thế giới: Nga, Pháp, Úc, Ai-len, Singapore, Niu Di-lân, Ý, Bỉ, Hung-ga-ri, Áo và Séc (đạt 33,3%  mục tiêu đặt ra đến năm 2020). Trong đó, có 70 tiến sĩ (đạt 70% mục tiêu đặt ra đến năm 2020), 30 thạc sĩ (15% mục tiêu đặt ra đến năm 2020).

Ban điều hành Đề án 99 cũng đã phát huy tốt chức năng điều phối, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện Dự án đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong và ngoài nước cùng tham gia; gắn kết các cơ sở đào tạo với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: hội thảo khoa học, trao học bổng, tọa đàm hướng nghiệp và hội chợ việc làm cho sinh viên. Hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATANTT đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế với phía Nhật Bản, tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

{keywords}
Học viện An ninh nhân dân đứng trong Top 5 có kết quả diễn tập chống hacker tốt nhất. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 99. Một trong những khó khăn lớn nhất là về nguồn lực tài chính. Mức kinh phí được cấp so với mức được phê duyệt chỉ bằng khoảng 1/5.

Về đội ngũ giảng viên ATANTT tại các cơ sở đào tạo, số lượng được cử đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tại nước ngoài chưa đáp ứng mục tiêu đề ra vì số lượng giảng viên đáp ứng cả hai tiêu chí rất khiêm tốn (nộp hồ sơ chuyên ngành ATANTT và đủ điều kiện ngoại ngữ). Trong khi đó, Đề án 911 và Đề án 599 đã kết thúc năm 2017, không rõ có nguồn mới cho đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong giai đoạn 2018 - 2020.

Ngoài ra các giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo thường đều đã có trình độ thạc sĩ, do vậy việc tìm kiếm đối tượng tham gia càng khó.

Về chất lượng học viên, số lượng tuyển sinh đào tạo đại học và sau đại học ngành ATANTT tại các cơ sở đào tạo mặc dù đáp ứng về số lượng, nhưng chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đào tạo là một vấn đề cần phải quan tâm.

Đặc biệt số lượng tuyển sinh vào hệ tài năng, hệ chất lượng cao còn ít, trong khi  ATANTT là nội dung khó, để trở thành kỹ sư, cử nhân chất lượng cao thì học viên cần có năng lực và nền tảng tốt.

Ngoài ra, các sinh viên chuyên ngành này nếu không được định hướng nghề nghiệp sớm, không được giáo dục về đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Giáo trình và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo trọng điểm cũng cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp mới có thể đáp ứng được công tác đào tạo kỹ sư, cử nhân chất lượng cao. Đến hết năm 2019, vẫn còn 04 cơ sở đào tạo trọng điểm chưa thực hiện được Dự án Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu vì thiếu kinh phí.

Trong tờ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, việc đào tạo, phát triển được nhân lực đảm bảo ATANM đòi hỏi phải là một quá trình liên tục, có hệ thống, lộ trình. Đội ngũ nhân lực làm về ATANM tại Bộ, Ngành, Địa phương vẫn cần được đào tạo sâu hơn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; các cơ sở đào tạo trọng điểm cần được đầu tư mạnh hơn để đủ năng lực đào tạo nhân lực cho ngành ATANM.

Như vậy, việc tiếp tục thực hiện Chương trình sau năm 2020 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu yêu cầu đảm bảo ATANM trong tình hình mới.

Lan Anh