Hoạt động xử lý nợ xấu cũng như thanh lý tài sản bảo đảm đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng lớn. Chỉ trong tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, hàng chục ngân hàng đã thông báo thanh lý tài sản gồm ôtô, đất nền, trường học và cả khách sạn… với giá trị từ vài chục triệu cho đến vài nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng bán thanh lý khách sạn

Trong thông báo mới nhất, Sacombank rao bán quyền sử dụng hơn 6.300 m2 đất tại quận Tân Phú (TP.HCM) của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong để thu hồi nợ.

Lô đất này có địa chỉ tại số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, giá khởi điểm là 355 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Dự kiến phiên đấu giá được diễn ra vào đầu tháng 10 tới, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt trước 5% giá khởi điểm của tài sản, tương đương 17,75 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, Sacombank rao bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11 (TP.HCM). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của 2 khách hàng Trầm Phong Xuân và Kiên Thị Kiều.


Đáng chú ý, tài sản gắn liền với khu đất là khách sạn 9 tầng Ngân Kiều với tổng diện tích sử dụng hơn 4.000 m2, giá khởi điểm cho tài sản này là 122 tỷ đồng. Được biết, nhà băng đã nhiều lần rao bán 2 tài sản kể trên nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

{keywords}
Khu đất và tòa khách sạn Ngân Kiều tại TP.HCM lần thứ 2 được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 122 tỷ đồng. Nguồn: STB.

Trước đó, cũng chính nhà băng này đã thông báo bán khoản nợ 1.330 tỷ đồng của CTCP Dịch vụ Văn hóa - Thể dục thể thao Thành Long với giá khởi điểm 798 tỷ. Tài sản bảo đảm là 3 bất động sản tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tổng diện tích 76.500 m2.

Không riêng Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng đang liên tục rao bán thanh lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ.

Ngân hàng BIDV mới đây cũng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ tại CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Trường Phát với dư nợ gốc và lãi gần 105 tỷ đồng.

Tài sản được mang ra thanh lý gồm 834 m2 quyền sử dụng trong mảnh đất có diện tích 2.832 m2 tại số 2-4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội), giá khởi điểm 98 tỷ đồng. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng qua BIDV thanh lý tài sản nói trên, so với tháng 7, giá lần này đã giảm hơn 2 tỷ đồng.

Vietcombank trước đó cũng lần thứ 5 phải thông báo phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa để thu hồi nợ. So với giá thanh lý lần đầu là 44,3 tỷ (tháng 4), giá rao bán lần thứ 5 của ngân hàng đã giảm 8 tỷ, còn 36,3 tỷ đồng. Trong các lần rao bán trước đó, dù liên tục hạ giá tài sản nhưng không có bất kỳ nhà đầu tư nào đứng ra mua lại.

Vì sao ngân hàng ồ ạt bán thanh lý tài sản

Lãnh đạo trung tâm xử lý nợ một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết việc các ngân hàng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ từ tháng 8 đến nay không phải điều bất ngờ.

Theo đó, việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo gắn với nợ xấu của ngân hàng cũng giống như kết quả kinh doanh là đều được lên kế hoạch, chỉ tiêu xử lý từ đầu. Việc các ngân hàng rao bán ồ ạt gần đây là do những tháng trước đó ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên không thể thực hiện các phiên đấu giá.

{keywords}
So với những tài sản đảm bảo là bất động sản, dự án khu công nghiệp... các tài sản giá trị thấp (dưới 5 tỷ đồng) như ôtô, căn hộ chung cư có thanh khoản cao hơn rất nhiều. Ảnh: Lê Quân.

Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động dần được nối lại thì ngân hàng mới thực hiện bán đấu giá tài sản để xử lý nợ.

“Ngoài những tài sản phải thanh lý theo kế hoạch mới, những tài sản đã rao trước đó nhưng chưa thanh lý được cũng phải hạ giá để bán lại. Vì vậy, từ nay đến cuối năm sẽ vẫn còn những đợt thanh lý tài sản lớn khác của ngân hàng”, vị này nói.

Vị lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận với những tài sản có giá trị thấp (dưới 5 tỷ đồng) như ôtô hay căn hộ chung cư… thanh khoản thị trường tương đối cao. Nhưng những tài sản giá trị lớn như khách sạn, dự án bất động sản, khu công nghiệp… giá trị từ vài trăm tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng rất khó để bán trong 1-2 lần đấu giá.

Thông thường, các tài sản giá trị vài chục tỷ đồng đã phải mất tới 5-9 lần hạ giá với mức giảm 15-25% mới có thể thanh lý. Nhiều dự án khu công nghiệp có giá trị trên dưới 1.000 tỷ rao bán nhiều lần, giảm giá hàng trăm tỷ nhưng đến nay vẫn không có nhà đầu tư tham gia.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết năm 2020, ngân hàng này dự kiến xử lý và thu hồi 11.000 tỷ nợ xấu thông qua hoạt động bán đấu giá nợ và tài sản đảm bảo đi kèm nợ.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm nhiều đối tác đấu giá của ngân hàng đã gặp khó khăn. Tuy vậy, doanh số đấu giá thành công sau nửa đầu năm vẫn đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, số thực thu bằng tiền mặt về là 1.800 tỷ, số dư còn lại đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, dự kiến hoàn tất từ nay đến cuối năm.

Với tốc độ xử lý nợ như hiện nay, bà Diễm cho rằng doanh số xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của Sacombank có thể vượt xa con số kế hoạch 11.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm. Tuy vậy, tốc độ sẽ phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và khả năng tài chính của các đối tác tham gia đấu giá.

(Theo Zing)