Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 bao gồm 73 doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Licogi - CTCP (mã LIC).
Theo danh sách, SCIC còn nắm giữ 41% vốn của Licogi. Tổng công ty này hiện có vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Vốn Nhà nước nắm giữ hơn 366,4 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, Bộ Xây dựng đã chuyển giao hơn 40,7% vốn điều lệ Nhà nước (tương đương hơn 36,6 triệu cổ phần) tại Licogi sang SCIC.
Licogi nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn và chuyển giao giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, từ đó cho tới nay, việc thoái vốn Nhà nước tại Licogi vẫn chưa thành công.
Trong quý I/2023, Licogi tiếp tục báo lỗ gần 23 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty mẹ giảm cùng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu tài chính của Licogi giảm 98% so với cùng kỳ xuống còn 3 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh liên kết giảm do lợi nhuận từ CTCP Thủy điện Bắc Hà (BHA), CTCP Licogi 14 (L14) giảm.
Tại Licogi 14 (L14), doanh nghiệp này cũng có nhiều biến động. Theo nghị quyết triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo vừa được công bố, ông Nguyễn Mạnh Tuấn ("thầy A7" hay "nhà đầu tư 1970") không còn tên trong HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 của Licogi 14.
Ông Tuấn được biết đến trên nhiều diễn đàn chứng khoán trong nước từ năm 2010 và trong các hội nhóm (room) chứng khoán những năm gần đây. Nhà đầu tư này được đồn thổi là đã có những thương vụ đầu tư siêu lợi nhuận tại một số mã cổ phiếu.
Trước đó, trong quý IV/2022, Licogi cũng lỗ hơn 5,4 tỷ đồng. Trong quý I/2022, Licogi lỗ hơn 15,5 tỷ đồng và chỉ thoát lỗ trong quý III/2022, nhờ lãi công ty liên doanh, liên kết.
Tính tới cuối I/2023, Licogi ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 585 tỷ đồng, bằng 65% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn từ 2016-2022, Licogi chỉ ghi nhận năm 2019 có dòng tiền dương, còn lại đều âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Năm 2021, Licogi âm 435 tỷ đồng, còn năm 2022 âm gần 117 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, Licogi ghi nhận dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh âm gần 250 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, Licogi đầu tư vào 7 công ty liên kết và liên doanh, gồm: Licogi 14 (sở hữu 24,16% vốn); Licogi 19 (22,62%); Xây dựng Bình Long (20,4%); Thủy điện Bắc Hà (44,11%); Vật liệu Xây dựng Đông Anh 8 (24,27%); Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long (37,41%)…
Licogi ghi nhận tổng tài sản tới cuối quý I/2023 đạt hơn 4.098 tỷ đồng, trong đó có tài sản dở dang dài hạn gần 1.160 tỷ đồng, chủ yếu ở dự án Khu đô thị Thịnh Liệt.
Trong báo cáo tài chính bán niên năm 2022, Licogi bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Kiểm toán đưa ra cơ sở cho ý kiến ngoại trừ. Theo đó, đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” với tổng giá trị lũy kế hơn 394 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thịnh Liệt là một dự án kéo dài nên kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án.
Tới cuối quý I/2023, Licogi có tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn (hơn 3.200 tỷ đồng so với 1.878 tỷ đồng). Do đó, khả năng hoạt động liên tục của Licogi sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác…
Mặc dù kết quả kinh doanh yếu kém nhưng cổ phiếu LIC tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần (18-19/5) sau thông tin SCIC thoái vốn.
Trong năm 2023, LIC dự kiến doanh thu khoảng 2.449 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận trước thuế 24,4 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả đạt được của 2022.
Tổng Công ty Licogi được thành lập năm 1995, trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới và Công ty Xây dựng số 18. Năm 2017, cổ phiếu công ty giao dịch trên thị trường UPCoM.