Theo danh sách của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8) nằm trong đợt 1 thoái vốn năm 2023. Hiện, SCIC còn nắm giữ 18% vốn của Cienco 8.

Cienco 8 có vốn điều lệ gần 590 tỷ đồng. Vốn Nhà nước nắm giữ gần 108,7 tỷ đồng. Năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chuyển giao quyền đại diện vốn tại Cienco 8 về SCIC.

Mặc dù có vốn điều lệ thấp nhưng Cienco 8 vẫn được coi là những "cánh chim đầu đàn" trong xây lắp giao thông và trúng thầu hàng loạt dự án lớn.

Trước khi IPO năm 2014, Cienco 8 chỉ có vốn điều lệ khoảng 180 tỷ đồng. Trong khi, sản lượng thi công lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Năm 2013, Bộ GTVT đồng ý tăng vốn điều lệ của Cienco 8 lên 545 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Cienco 8 đấu thầu và tham gia tại nhiều dự án lớn trong lĩnh vực giao thông.

SCIC thoái 18% vốn Cienco 8. (Ảnh:C8)

Sau thương vụ IPO Cienco 8 hồi năm 2014, Cienco 8 dần về tay Tập đoàn Phúc Lộc.

Ngay sau đó, liên danh Cienco 8 - Phúc Lộc đã trúng thầu hàng loạt dự án lớn như dự án cầu Bạch Đằng tại Quảng Ninh (7.600 tỷ đồng), gần đây là gói XL 01 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị 1.069,5 tỷ đồng…

Trên thực tế, trong giai đoạn 2013-2015, Bộ GTVT đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp giao thông (nhóm Cienco). Trong đó, Cienco 8 thuộc loại yếu nhất do liên tục thua lỗ.

Ban đầu, việc bán vốn tại Cienco 8 rất khó khăn. Giữa năm 2014, Cienco 8 đưa ra đấu giá hơn 10 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ có 26 nhà đầu tư đăng ký đấu giá. Cienco 8 chỉ bán được 37.000 cổ phần với giá bình quân 10.000 đồng/cp.

Tháng 8/2015, Cienco 8 tiếp tục đưa hơn 19,1 triệu cổ phần ra đấu giá, khởi điểm 10.100 đồng/cp nhưng cũng chỉ bán được 43,5%. 

Sau đó, Tập đoàn Phúc Lộc và vợ chồng ông Lương Minh Tường nắm quyền chi phối Cienco 8. Nhà nước chỉ còn nắm khoảng 18%.

Trong năm 2016, Cienco 8 tăng vốn bất thành từ 590 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng theo đề nghị của ông Lương Minh Tường (Chủ tịch Tập đoàn Phúc Lộc). Nếu Bộ GTVT không tham gia góp vốn, HĐQT Cienco8 muốn cổ đông Nhà nước đồng ý việc, các cổ đông chính gồm Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang góp toàn bộ số vốn điều lệ tăng thêm.

Khi đó, tỷ lệ Nhà nước tại Cienco 8 giảm xuống còn khoảng hơn 5%. Trong khi Phúc Lộc chi phối toàn bộ. Vậy nhưng, Bộ GTVT đã không đồng ý với phương án này.

Trong vài năm gần đây, Cienco 8 ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và tài sản đều suy giảm. Cienco 8 cũng đang mắc kẹt tại nhiều dự án như dự án BT sông Cầu Thái Nguyên gần 10.000 tỷ đồng.

Cienco 8 còn dính nhiều tai tiếng, trong đó có việc bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt trong các gói thầu liên danh tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; bị phạt do vi phạm bảo vệ môi trường…

Hiện, khó khăn thấy rõ của Cienco 8 vẫn là nguồn vốn. Do có vốn hạn chế, tỷ lệ nợ của Cienco 8 cao và gây cản trở hoạt động kinh doanh.

Những khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường tài chính trong hơn năm qua có thể khiến Cienco 8 càng thêm khó.

"Cánh chim đầu đàn" ngành xây dựng giao thông

Từ năm 1989 đến nay, Cienco 8 đã tham gia thực hiện hàng nghìn dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hoà Lạc, quốc lộ 1A, quốc lộ 3 mới, quốc lộ 5, quốc lộ 10, đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 Hà Nội, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương; cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, Cầu Non Nước, cầu Cốc Pài, cầu sông Rút, cầu Rạch Dừa, cầu Móng Sến.

Cienco 8 cũng tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hàng trăm các công trình cầu, đường khác ở khắp các tỉnh trong cả nước.