Tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án BĐS đủ pháp lý
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững sáng nay (17/2), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%. Riêng với lĩnh vực này, tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.
Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, đáng nói ở đây là chủ yếu là phân khúc giá trị cao, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh BĐS.
“Như TS Cấn Văn Lực đã nói, trong nguồn vốn phát triển BĐS năm 2022, 70% là vốn tín dụng, còn các kênh khác là 30%. Nên vì vậy, cần phải đánh giá trung thực, khách quan để có giải pháp tháo gỡ” – bà Hồng nói.
Đánh giá về những khó khăn về nguồn vốn, Thống đốc cho rằng, kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung dài hạn để hỗ trợ tích cực để giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, trong khi đó kênh vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn, nên cần có các giải pháp khôi phục trở lại.
Về phía các ngân hàng, trong những tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10/2022, khi sự cố của SCB xảy ra, bản thân các ngân hàng thương mại phải lo về thanh khoản, để bảo đảm bất cứ người dân rút tiền lúc nào đều có khả năng trả nên chính bản thân các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn cho phù hợp để cấp tín dụng cho BĐS vì tín dụng BĐS thường là giá trị lớn, kỳ hạn dài. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng tự quyết định trong việc cấp tín dụng.
Bà Hồng cũng nêu lên vấn đề, các dự án BĐS 70% vướng mắc về mặt pháp lý. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý và xác định được giá đất, bản thân các dự án phải bảo đảm tính khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chưa chứng minh được nên bản thân tổ chức tín dụng khó có thể cho vay, đây là ý kiến phản ánh trong hội nghị tín dụng BĐS mà các ngân hàng đã nêu. Vì vậy, nếu vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ, sẽ giúp cho khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng” – Thống đốc cho biết.
Xét trên thị trường BĐS, việc mất cân đối cung cầu cơ cấu sản phẩm về phân khúc cao cấp, ở đây tín dụng trong những năm qua vào lĩnh vực này khá lớn. Theo bà Hồng, hiện nay với những dự án vừa chưa có cơ sở pháp lý, giá nhà chưa phù hợp nên khách hàng chưa quyết định mua. Vì vậy phân khúc này cần hoàn thiện thủ tục pháp lý, đã xây xong nhà phải có sổ hồng, sổ đỏ thì người dân mới mua và lưu ý về giá cả như Thủ tướng nói. Nếu hai điều này được cân nhắc và có sự điều chỉnh thì sẽ kích thích nhu cầu mua nhà đối với phân khúc cao cấp này.
Với phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội, lãnh đạo NHNN nhìn nhận, đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ, dự án nhà ở xã hội có 150 dự án, 19.967 căn hộ. Phải có những giải pháp thúc đẩy nguồn cung với doanh nghiệp xây dựng phân khúc này, từ đó, thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường BĐS.
"Với NHNN, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, tôi cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn", Thống đốc nói.
Thống đốc cũng nhấn mạnh: “Với NHNN, qua những ý kiến, chúng tôi có quan điểm như sau, để phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi".
Về định hướng tín dụng, tăng trưởng năm nay là 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về BĐS.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Thống đốc cũng thông tin, NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn", bà Hồng nói.
Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.
Trong khi đó, về đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.
“Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác” – Thống đốc cho biết.
Về lãi suất, vị lãnh đạo cho biết, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
"Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chúng tôi thấy nhiều ý kiến, đó là Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả các dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này", Thống đốc NHNN nêu rõ.