Thông tin từ Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, mô hình tổng thể các hệ thống công nghệ phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay bao gồm các hệ thống chủ động tấn công, phòng thủ chủ động và các hệ thống chống dịch.
Các hệ thống phòng thủ chủ động gồm hệ thống giám sát nguy cơ dịch bệnh; hệ thống xử lý phản ánh; hệ thống giám sát cách ly; hệ thống quản lý truy vết và hệ thống giám sát, chốt chặn xét nghiệm.
Việt Nam sẽ cấp chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 điện tử trong thời gian tới. Ảnh minh họa. Lê Na |
Trong đó, hệ thống giám sát nguy cơ dịch bệnh dựa vào việc thu thập dữ liệu khai báo y tế, dữ liệu giám sát tại các khu công nghiệp, mạng xã hội, mức độ tuân thủ của người dân, tốc độ tiêm chủng… để đánh giá nguy cơ dịch bệnh với từng địa phương.
Đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta đã khá quen thuộc với các hệ thống khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần như ứng dụng VHD, Ncovi, Bluezone và gần đây là các tính năng quét mã QR.
Thời gian tới, sẽ có thêm một số giải pháp mới được đưa vào sử dụng, trong đó có Hệ thống quản lý tiêm chủng và Chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 điện tử.
"Chúng ta có Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19 và sẽ sớm có Hệ thống cung cấp chứng nhận vắc xin điện tử", đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cho biết.
Hiện nay, Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia đã đi vào vận hành và bổ sung thành phần quản lý tiêm chủng Covid-19. Thông tin công dân sau khi đã tiêm vắc xin sẽ được quản lý trên hệ thống và đưa vào hồ sơ sức khỏe điện tử. “Thời gian tới, người dân nếu có nhu cầu sẽ được cấp chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 điện tử”, đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia nói.
Chia sẻ thêm về chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 điện tử, đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 cho hay: Hiện nay vẫn có các chuyên gia vào Việt Nam và họ đã được tiêm vắc xin. Người Việt nam cũng đang tiêm chủng vắc xin và thời gian tới sẽ triển khai mạnh. Do đó, cần có chứng nhận điện tử để dễ dàng tạo điều kiện thông thương cho người đi từ vùng này sang vùng khác, đi từ quốc gia này sang quốc gia khác và ngược lại.
“Chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 điện tử được thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn phổ biến hiện nay để có thể liên thông và được chấp nhận với các quốc gia khác”, đại diện Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết.
Theo đánh giá của Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia, khi lượng vắc xin ngày càng nhiều, để đáp ứng yêu cầu quản lý, mở cửa giao thương thì Hệ thống quản lý tiêm chủng và Chứng nhận tiêm chủng vắc xin covid-19 điện tử sẽ có vai trò rất quan trọng trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp triển khai phòng chống dịch hôm 5/6, cơ quan này cũng đã điểm ra một số ứng dụng công nghệ đang được Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp phát triển như: vòng đeo tay chuyên dụng quản lý người cách ly và sau cách ly, nền tảng giám sát các phương tiện giao thông và nền tảng chứng thư số vắc xin (hay còn gọi là hộ chiếu vắc xin).
Về hộ chiếu vắc xin, báo cáo này cho hay: Để sẵn sàng cho giai đoạn triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng, Bộ TT&TT đang cùng các doanh nghiệp xây dựng Hệ thống chứng thư số vắc xin, có thể kết nối và công nhận với các nước trên thế giới và được dự kiến sẵn sàng triển khai từ 1/7.
Trước đó, hồi tháng 3, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT một số đơn vị nghiên cứu, xây dựng Đề án về “Hộ chiếu vắc xin”. Đây bản chất là giấy chứng nhận khi chúng ta tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định.
Thu Hà