Vừa qua ở Mỹ diễn ra sự suy sụp chóng vánh của WeWork khiến cộng đồng khởi nghiệp có phần bàng hoàng. Trường hợp này được nhiều chuyên gia trong đó có Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình, một Shark trong chương trình Shark Tank dẫn ra để cảnh báo các startup.
Là một startup về chia sẻ không gian làm việc, WeWork đã gây dựng tên tuổi bằng nhiều chiến lược đa dạng. Tháng 1/2019 WeWork tự định giá trị vốn hóa lên tới 47 tỷ USD, tuy nhiên sau khi cáo bạch IPO được công bố vào tháng 8, kết quả kinh doanh thảm hại của WeWork cho thấy nó không có bất kỳ cơ sở gì để đạt tới con số này.
Trong vòng 4 tuần, giá trị vốn hóa của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD, từ 47 tỷ USD rớt xuống chỉ còn lại vỏn vẹn 10 tỷ USD. CEO WeWork Adam Neumann phải từ chức, kế hoạch IPO bị hoãn vô thời hạn...
Bài học mà Shark Bình rút ra từ "case study" WeWork qua các bài viết trên Facebook đó là tình trạng mà nhà đầu tư công nghệ này hay gọi là "ngáo giá", "ngáo nghệ", hay cả "ngáo bóng" đối với các nhà đầu tư.
ICTnews sẽ chia sẻ lại bài viết của Shark Bình trên fanpage về WeWork mới đây như một tài liệu tham khảo quan trọng của các startup.
WeWork suy sụp: Shark Bình rút ra bài học cho startup
Bài học mà Shark Bình rút ra từ "case study" WeWork qua các bài viết trên Facebook đó là tình trạng mà nhà đầu tư công nghệ này hay gọi là "ngáo giá". |
Sự sụp đổ WeWork, trách nhiệm của các nhà đầu tư “ngáo bóng” trong các startup “ngáo giá”, và ám ảnh bong bóng dot-com lần 2 trở lại sau 20 năm
Mấy tuần nay giới công nghệ & đầu tư toàn cầu chấn động với cú “ngã ngựa” của Startup chia sẻ văn phòng WeWork tại Mỹ có định giá lên đến 43 tỷ USD, sau vài tuần rớt còn chưa đến 10 tỷ USD & phải huỷ IPO, các nhà đầu tư “lõm” nặng thậm chí chỉ so với tổng lượng tiền mặt đã huy động 12,8 tỷ USD, còn đang bàn đến khả năng phá sản...
Trách nhiệm đầu tiên rõ ràng thuộc về Founder (nhà sáng lập) & CEO (tổng giám đốc), người được truyền thông mô tả là chuyên quyền, độc đoán, lập dị, bòn rút, xa xỉ (ví dụ lấy 60 triệu USD của Công ty mua máy bay riêng)… vừa bị sa thải khỏi chính Công ty mình sáng lập.
Tuy nhiên trong câu chuyện này có một góc nhìn khá thú vị & tương quan với thị trường đầu tư công nghệ ngay tại Việt Nam hiện nay, đó là chính các nhà đầu tư “ngáo bóng” (chuyên thổi bong bóng Startup) đã góp phần tạo ra những startup “ngáo giá” bằng phương pháp đầu tư “phi thị trường”, thậm chí bị phán xét là “ngụy tư bản”.
Một đại biểu điển hình là Son-san, chủ tịch SoftBank đến từ Nhật Bản, một “phù thuỷ” về đầu tư công nghệ toàn cầu với các thương vụ đầu tư thành công kinh điển (1 ăn hàng nghìn lần) vào Yahoo và Alibaba cách đây 20 năm.
Từ lợi nhuận và uy tín khổng lồ từ các thương vụ trước, ông đã huy động được quỹ Vision Fund trăm tỷ USD để đầu tư vào các Startup kinh tế chia sẻ tiếp theo như Uber, WeWork, Grab cùng nhiều Tech Unicorn ("kỳ lân" công nghệ) khác… và giờ bị “kết tội” là “thủ phạm” đứng đằng sau mô hình đầu tư không bền vững nói trên với các đặc điểm như tìm một thị trường đủ lớn (ví dụ: gọi xe với Uber/Grab, bất động sản với WeWork) và bơm vốn thật mạnh qua nhiều vòng đầu tư vào một Startup để thực thi mô hình “lost leader", là mô hình mà doanh nghiệp bán hàng dưới giá vốn và chịu lỗ nặng thông qua hàng loạt khuyến mãi để educate (đào tạo) thị trường và đè chết các đối thủ.
Sau đó, khi thị trường đã được educate và các đối thủ ít tiền hơn đã bị quét sạch khỏi thị trường vì không chịu nổi cạnh tranh giá thì tự nhiên hình thành thế “độc quyền tư bản”. Khi đó tăng giá và hy vọng kiếm được lợi nhuận, bán lại cho nhà đầu tư khác hoặc IPO lên sàn bán cho công chúng… Tuy nhiên “nhân tính không bằng trời tính” vì liều thuốc nào cũng có tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể, đối với startup, nếu được bơm vốn không giới hạn mà không cần đếm xỉa đến hiệu quả kinh doanh nên bản thân Startup và Founder trở nên hư hỏng và dựa dẫm thái quá vào cái “Comfort Zone” (vùng an toàn) là “đốt, đốt nữa, đốt mãi” tiền của nhà đầu tư nên đi quá xa, dẫn đến một mô hình kinh doanh không thể sinh lời được nữa. Ngoài ra định giá được thổi lên quá nhanh nên dẫn đến tình trạng “ngáo giá” đẫn đến không thể gọi vốn được nữa vì quá đắt, khi đó nguy cơ sụp đổ như WeWork là rất lớn.
2. Đối với ngành: kéo theo cả ngành phải “chạy đua vũ trang” bằng các vòng gọi vốn đốt tiền liên miên. Cuộc chơi khi đó trở thành Game của các nhà đầu tư tài chính chứ không còn là của các doanh nhân công nghệ vốn phải lấy đổi mới sáng tạo làm nòng cốt nữa, vì đổi mới sáng tạo có thể bị triệt tiêu bởi chiêu “lấy thịt đè người” của một vài Startup giỏi gọi vốn đốt tiền.
3. Đối với xã hội: giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản là các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt & rẻ hơn nhờ cạnh tranh lành mạnh. Ngược lại, mô hình “Burn-to-Last” (đốt tiền để tồn tại) nói trên là phi kinh tế thị trường & bị các nhà phân tích phán xét là “ngụy tư bản”, tạo ra một thị trường thiếu lành mạnh & nguy cơ độc quyền hiển hiện. Hiểu một cách đơn giản thì hàng tốt (bởi các Startup đổi mới sáng tạo nhưng ít vốn) có thể bị hàng rẻ & kém chất lượng (của các Startup giỏi gọi vốn đốt tiền) đè bẹp & thao túng.
Vì thế, Shark Bình đã đưa ra bài học cho các startup như sau:
Đầu tiên, không chỉ các Startup mà chính bản thân các nhà đầu tư cần phải “tỉnh ra” trong việc lạm dụng đòn bẩy vốn để thâu tóm thị trường, lịch sử cho thấy chiêu thức kinh doanh“lấy thịt đè người” không phải bao giờ cũng đúng. Bản thân Son-san cũng đã bắt đầu thay đổi quan điểm định hướng các Startup của mình phải bắt đầu kiếm được tiền, khi đó sẽ phát hiện ra ai thực chất
Thứ hai, vai trò quản lý nhà nước trong việc nhận biết các chiêu trò đầu tư thâu tóm thị trường để nhìn xa và điều tiết chính sách nhằm bảo vệ doanh nghiệp bản địa trước cơn bão vốn nếu không thị trường công nghệ chắc chắn sẽ nằm trong tay một vài nhà tư bản nước ngoài.
Ở Việt Nam thực trạng này trong các Startup công nghệ cũng đang khá là phổ biến.
Cuối cùng theo Shark Bình, mặc dù là Shark công nghệ, nhưng luôn khuyến khích Startup không nói quá nhiều về công nghệ, thậm chí còn “mắng” startup là ngáo nghệ. Thay vào đó Shark khuyên Startup cần tập trung tìm kiếm và đưa ra giải pháp cho nỗi đau của thị trường, còn công nghệ chỉ là công cụ giúp giải quyết vấn đề tối ưu hơn khi scale (phát triển) mà thôi.