Nguồn tin của PV. VietNamNet cho biết Bộ Tài chính vừa báo cáo phân tích tình hình tài chính năm 2020 của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Báo cáo này đã phân tích chi tiết tình hình kinh doanh của những DN FDI được cho là hưởng lợi và bị bất lợi bởi dịch Covid-19.
Khu vực hưởng lợi từ đại dịch vẫn lỗ nặng
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, lĩnh vực "Viễn thông, phần mềm” được cho là hưởng lợi từ đại dịch.
Năm 2020, doanh thu của nhóm ngành "Viễn thông, phần mềm” là 43.985 tỷ đồng, trong đó hai dự án có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm ngành này là: Công ty cổ phần Airpay 4.555 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,35% và Công ty TNHH Shopee 2.329 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,29%.
Shopee và Airpay chiếm doanh thu cao toàn ngành và cả hai công ty có quan hệ gần gũi với nhau |
Công ty Airpay và Công ty Shopee có doanh thu tăng mạnh, mức tăng doanh thu của cả hai DN là 2.964 tỷ đồng, đóng góp 58% vào sự tăng trưởng doanh thu của toàn ngành.
Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng hai DN vẫn báo lỗ, trong đó có Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào NSNN hạn chế.
Số nộp ngân sách nhà nước của hai DN này lần lượt là 67,86 tỷ đồng, 48 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,69% và 1,9% số nộp NSNN của toàn ngành.
Shopee vẫn lỗ nặng. Ảnh: Lương Bằng |
Trường hợp Shopee, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu Shopee âm (-) 1.463 tỷ đồng, lỗ mất vốn do lỗ lũy kế của Công ty vẫn tiếp tăng 31% so với năm 2019. Khả năng thanh toán ngắn hạn và khả năng thanh toán nhanh cũng ở mức là 0,64 lần.
"Ông lớn" du lịch điêu đứng
Năm 2020, nhóm ngành "Du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống" chịu ảnh hưởng nặng nề do việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ (hạn chế các chuyến bay trong nước và quốc tế, hạn chế đi lại, đóng cửa khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí,... ).
Theo đó, doanh thu giảm 12.972 tỷ đồng (38,7%); lợi nhuận trước thuế âm (-) 2.573 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm 1.956 tỷ đồng (46%) so với năm 2019.
Trong tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu 32.094 tỷ đồng, hai DN có quy mô vốn đầu tư của chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn nhất là: Công ty TNHH Laguna Việt Nam 5.376,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,8% và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores 2.896,8 tỷ đồng, chiếm 9%.
Nhóm ngành du lịch nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19 |
Với Công ty TNHH Laguna Việt Nam (đầu tư khu du lịch Laguna Lăng Cô), năm 2020, tổng tài sản 3.627 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng (4%) so với năm 2019; nợ phải trả 648 tỷ đồng, tăng 72 tỷ đồng (12%), trong đó nợ ngắn hạn tăng 69 tỷ đồng, chiếm 95,8% trên mức tăng của tổng nợ phải trả; vốn chủ sở hữu 2.980 tỷ đồng, giảm 212 tỷ đồng (7%), lỗ lũy kế tăng 244 tỷ đồng.
Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores (đầu tư Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver shores ở Đà Nẵng), năm 2020, tổng tài sản 4.600 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng (2,11%) so với năm 2019; nợ phải trả là 305 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng (3,8%); vốn chủ sở hữu 4.365 tỷ đồng, giảm 112 tỷ đồng (2,49%) và giảm một lượng đúng bằng số giảm của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Mặc dù có quy mô đầu tư vốn của chủ sở hữu lớn, chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt là 16,75% và 9% trên vốn đầu tư của chủ sở hữu toàn ngành, nhưng theo Bộ Tài chính, doanh thu (bao gồm doanh thu tài chính) hai công ty chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ lần lượt là 1,16% và 0,82% so với toàn ngành. Đóng góp vào NSNN ở mức hạn chế 3,49% và 1,4% so với tổng mức đóng góp toàn ngành.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước của hai DN giảm hơn 433 tỷ đồng, tương đương giảm 10,13% so với số nộp NSNN năm 2019.
Doanh nghiệp FDI vẫn lỗ nhiều hơn lãi
Trong tổng số 25.171 DN có vốn đầu tư nước ngoài chi phối, có 10.125 DN kết quả sản xuất kinh doanh lãi, chiếm tỷ lệ 40,2% DN có báo cáo.
Đáng chú ý, số lượng DN có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ là 14.108 DN, chiếm tỷ lệ tới 56% DN có báo cáo, với trị giá lỗ là 151,064 tỷ đồng.
DN FDI vẫn lỗ nhiều hơn lãi |
Đến hết năm 2020, có 16.164 DN có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính, chiếm tỷ lệ 64% DN có báo cáo, với tổng trị giá lỗ luỹ kế trên BCTC là 623.337 tỷ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của chủ sở hữu (tăng 12% về số lượng DN có lỗ luỹ kế và tăng 20,1% về trị giá lỗ luỹ kể so với năm 2019).
Tổng tài sản của các DN lỗ lũy kế trên BCTC năm 2020 là 2.910.234 tỷ đồng, tăng 8,1% so với tổng tài sản của các DN có lỗ lũy kể năm 2019.
Số lượng DN lỗ mất vốn năm 2020 là 4.250 DN, chiếm 16,88% trong tổng số 25.171 DN có báo cáo, tăng 22,7% so với số DN lỗ mất vốn năm 2019 với tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính là âm 141.274 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh và đóng góp thực sự của khu vực FDI vẫn là những dấu hỏi |
Bộ Tài chính lưu ý, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ DN báo lỗ, DN lỗ lũy kế, DN lỗ mất vốn vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.
Theo số liệu của Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực FDI năm 2020 là 206.088 tỷ đồng, giảm 6.111 tỷ đồng so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận số thu nộp NSNN của khối DN có vốn FDI giảm so với năm trước đó. |
Lương Bằng
'Nike rời Việt Nam': Tin fake và điều cần cảnh báo
Thông tin “Nike rời Việt Nam” được xác nhận là tin giả bởi thực tế Nike không sở hữu bất cứ nhà máy nào ở Việt Nam, mà chỉ thuê các nhà máy do các đối tác gia công sản phẩm.