Zalo vẫn chưa nộp hồ sơ xin giấy phép mạng xã hội
Mới đây, sau khi Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM đề nghị thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me, Bộ TT&TT chưa ra quyết định thu hồi tên miền ngay mà yêu cầu Công ty VNG hoàn tất các thủ tục đăng ký mạng xã hội theo đúng quy định. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, đến hết ngày hôm nay 23/7/2019, Cục PTTH&TTĐT vẫn chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép hay bất cứ sự liên hệ nào từ phía VNG hay Zalo.
Mới đây Zalo bị Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM yêu cầu các nhà đăng ký và quản lý tên miền tại Việt Nam dừng cung cấp 2 tên miền là Zalo.vn và Zalo.me lý do việc có quyết định thu hồi 2 tên miền này do Zalo đã hoạt động mạng xã hội không giấy phép.
Hồi mới ra mắt dịch vụ ở Việt Nam, Zalo được biết đến là một mạng xã hội Việt, người dùng đăng ký tài khoản Zalo bằng chính số điện thoại của mình, có thể gọi điện, nhắn tin, chat, chia sẻ hình ảnh, tin tức, tìm bạn bè qua ứng dụng Zalo. Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển các siêu ứng dụng trên thế giới như WeChat, Grab, Go-Jek, Zalo đã dần phát triển thành một siêu ứng dụng với việc tích hợp gian hàng thương mại điện tử Zaloshop, thanh toán hóa đơn trực tuyến trên ZaloPay, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, dịch vụ đặt xe Zalo Transport, hay dịch vụ tổng hợp tin tức Zalo Channel, tích hợp cổng game online, kết nối với các cổng thông tin của các cơ quan nhà nước eGovernment, hiện tại Zalo đang thử nghiệm phiên bản beta ứng dụng Bank với các dịch vụ tài chính như: Vay tín chấp, mở thẻ tín dụng, bảo hiểm xe máy… Zalo đạt khoảng gần 47 triệu người dùng mỗi tháng, là một mạng xã hội có lượt truy cập lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Facebook.
Các siêu ứng dụng như Zalo, Grab, Momo... đều phải xin giấy phép riêng cho từng loại dịch vụ. |
Siêu app phải xin giấy phép riêng cho từng dịch vụ
Chính vì thế quản lý các siêu ứng dụng như Zalo theo mô hình nào vẫn đang là một câu hỏi cần đặt ra với cơ quan chức năng hiện nay. Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, trên một nền tảng cung cấp đa dịch vụ trên Internet thì những dịch vụ nào là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhà nước quy định phải xin giấy phép thì dịch vụ đó phải được bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó cấp phép.
Ví dụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, ngân hàng, tài chính thì phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải được Bộ Công thương cấp phép, cung cấp dịch vụ đặt xe qua App thì phải được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép…
Hiện nay Zalo đang cung cấp dịch vụ mạng xã hội và game online thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT. Trong những năm qua Sở TT&TT TP.HCM và Cục PTTH&TTĐT đã nhiều lần nhắc nhở Zalo về việc phải nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động mạng xã hội, nhưng Zalo vẫn phớt lờ không nộp hồ sơ, cũng không giải trình lý do tại sao không chấp hành các quy định pháp luật.
Theo quy định tại khoản 22, điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP: “mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”. Căn cứ theo các quy định này, Zalo đang có những ứng dụng có đầy đủ thuộc tính của một mạng xã hội, do đó cần phải cấp phép hoạt động theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP".
“Đối với cổng game được tích hợp trên Zalo, các game trong ứng dụng này đều đã được cấp phép cho VNG, chỉ có mạng xã hội là VNG chưa từng nộp hồ sơ xin giấy phép mà vẫn hoạt động chui từ khi ra đời đến nay, mặc dù trong thời gian qua Sở TT&TT TP.HCM đã hai lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cũng như nhắc nhở Zalo về việc phải xin giấy phép hoạt động theo đúng quy định”, nguồn tin từ Cục PTTH&TTĐT cho hay.