Theo ông Khánh, trước khi có Nghị định 116, Luật Giáo dục 2005 quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí; nhà nước miễn học phí cho sinh viên sư phạm thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên (thường gọi là kinh phí cấp bù sư phạm).

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm như việc sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên ra trường không làm đúng ngành; việc cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm chưa đảm bảo định mức chi phí đào tạo dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường; không công bằng với các ngành học khác; không thu hút được học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm; việc đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng.

Nghị định 116 được ban hành nhằm khắc phục những nhược điểm trên.

Chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm

Cụ thể, ông Trần Tú Khánh cho hay, tại điều 4 của của Nghị định 116 quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyên vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).

{keywords}
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục, các em cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp).

Các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí

Nghị định 116 cũng quy định chi tiết các trường hợp nào phải hoặc không phải bồi hoàn khi phí đào tạo.

Sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là những người công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm những em không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.

Với những sinh viên sư phạm thuộc các trường hợp “bất khả kháng” như nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. Sinh viên dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần), dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.

Trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn được giao cho UBND cấp tỉnh (ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí). Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.

Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm, sinh viên và gia đình các em có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn được nộp vào ngân sách nhà nước.

{keywords}
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thanh Hùng

Về việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra tình huống: “Vậy sinh viên được hỗ trợ kinh phí trong quá trình đào tạo, nhưng trong quá trình tuyển dụng, sinh viên đó không trúng tuyển; hoặc có tình huống sinh viên đi thi tuyển dụng ở các tỉnh thành khác thì có phải nộp lại kinh phí đó hay không?

Hiện nay trách nhiệm thu hồi đang giao cho UBND tỉnh. Nhưng hiện nay, chúng tôi cũng đang vướng đối với đối tượng sinh viên cử tuyển. Lạng Sơn hiện còn hơn 10 sinh viên cử tuyển vi phạm. Tỉnh đã giao cho các sở chuyên môn đôn đốc thu hồi nhưng sau 5 lần thông báo vẫn chưa thu hồi được. Việc này rất khó khăn, bởi không có chế tài để xử lý. Việc thu hồi bồi hoàn này cũng vướng tương tự khi không có chế tài xử lý”, ông Huyên nói.

Về điều này, ông Trần Tú Khánh cho hay, mục tiêu của Nghị định 116 không phải là để thu hồi kinh phí, mà nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với nhu cầu.

“Nếu sinh viên sư phạm làm trong ngành giáo dục bất cứ ở đâu trên cả nước, công lập hay ngoài công lập, hoặc có xác nhận công tác trong ngành giáo dục đều không phải bồi hoàn. Chỉ với những trường hợp cố tình không bồi hoàn, thì áp dụng chế tài dân sự. Nếu 3 lần thông báo mà không nộp lại thì có thể dùng các giải pháp theo quy định của Luật Dân sự để xử lý.

Thanh Hùng

SV Sư phạm không vào diện 'đặt hàng' có được hỗ trợ 3,63 triệu/tháng?

SV Sư phạm không vào diện 'đặt hàng' có được hỗ trợ 3,63 triệu/tháng?

Nhiều sinh viên dự kiến vào các ngành sư phạm băn khoăn về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Lo ngại chuyện đấu thầu đào tạo giáo viên như những món hàng

Lo ngại chuyện đấu thầu đào tạo giáo viên như những món hàng

“Nếu như chúng ta đưa ra đấu thầu đào tạo nhà giáo, sau này, sẽ có những người có trách nhiệm đặt ra câu hỏi rằng tại sao đều là 2 cơ sở đào tạo sư phạm, mà bên này giá thấp hơn bên kia tại sao không chọn?"