Một thiết bị chữa cháy bằng âm thanh mà một trong hai tác giả của nó là một sinh viên người Việt đang được các tờ báo hàng đầu nước Mỹ như Time, Huffington Post, USA Today… ca ngợi.

{keywords}
Việt Trần và Seth Robertson - hai tác giả của thiết bị chữa cháy cầm tay bằng âm thanh

Hãy tưởng tượng nếu tất cả những gì bạn cần để chữa cháy là một chiếc loa có âm thanh trầm. Giả thuyết nghe có vẻ hão huyền ấy đã trở thành sự thật: một chiếc bình chữa cháy cầm tay không bọt, không bột hay nước, mà tạo ra các sóng âm tần số thấp.

Thực ra, ý tưởng này đã được DARPA (Cơ quan Các dự án nghiên cứu cao cấp) hiện thực hóa vào năm 2012, tuy nhiên nó vẫn còn rất cồng kềnh so với mục đích sử dụng trong hộ gia đình.

Bình chữa cháy nguyên mẫu này được phát triển bởi sinh viên chuyên ngành kỹ thuật máy tính Việt Trần và sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện Seth Robertson tới từ ĐH George Mason ở Fairfax, Virginia. Hai anh chàng này hi vọng thiết kế của họ có thể làm một cuộc cách mạng trong việc chữa cháy, đặc biệt là những vụ cháy ở nhà riêng.

Công nghệ này dựa trên cách thức hoạt động của sóng âm là thay thế oxy khi nó di chuyển trong không gian, bởi vì oxy là yếu tố khiến lửa tiếp tục cháy. Nếu bạn có thể “bóp nghẹt” ngọn lửa thì bạn có thể dập tắt nó, và hai chàng trai này đã thiết kế thiết bị theo cách đó. Họ cũng phát hiện ra rằng âm nhạc thì không thích hợp vì âm thanh của âm nhạc lúc trầm lúc bổng, không ổn định.

Âm thanh với tần số cao thì khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội hơn. Âm thanh tần số thấp hơn – trong khoảng từ 30-60 hertz (còn được gọi là “vùng Goldilocks”) – khiến sóng âm có thể loại bỏ oxy ra khỏi ngọn lửa một cách hiệu quả và đủ lâu để dập tắt nó.

Bước tiếp theo là phát triển thiết bị bình chữa có thể cầm tay. Ví dụ như thiết bị của DARPA là một chiếc máy lớn nên không thể dễ dàng di chuyển được. Với thiết bị được cải tiến so với của DARPA, chiếc máy có thể dập tắt được những ngọn lửa nhỏ.

Tất nhiên, bước tiếp theo là phát triển thêm – kiểm tra về mặt kỹ thuật đối với các trường hợp cháy nổ khác, xem xem nó có thể giữ ngọn lửa không bùng lại hay không, bởi vì sóng âm không có tác dụng làm mát như nước, đồng thời kiểm tra tính khả thi của việc phát triển một thiết bị có thể xử lý các đám cháy lớn.

Nếu có thể làm được điều này thì đây có thể là một tin lớn không chỉ cho các hộ gia đình mà còn cho cả các cơ quan cứu hỏa.

  • Nguyễn Thảo (Theo Cnet)