“Nhiều người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật vì không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội”, TS Phạm Quỳnh Phương bày tỏ.

Không đi được máy bay vì chuyển giới

Cát Thy, người chuyển giới từ nam sang nữ sống ở TP.HCM không thể đi máy bay ra Hà Nội chỉ vì chứng minh thư, giấy tờ mang tên con trai, thân hình lại là con gái.

Còn Aki Trần, người chuyển giới từ nữ sang nam lại bị nhân viên xe buýt kết tội là dùng thẻ giả vì tên là nữ mà thân hình là nam.

Aki kể: “Có một lần đi học bằng xe buýt dùng thẻ sinh viên, người soát vé nhìn thẻ và bảo em bỏ khẩu trang ra. Anh ta nhìn rồi quay mặt đi khinh bỉ bảo thời buổi này còn dùng thẻ giả. Thực sự đó là thẻ của em, nhưng vì pháp luật chưa cho phép đổi tên nên mới vậy. Tên là tên nữ, giới tính nữ nhưng hình thể lại là nam.

Pháp luật Việt Nam hiện không cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu) cũng như trong các đăng ký nhân thân khác (như khai sinh, hộ tịch). Pháp luật cũng không cho phép phẫu thuật chuyển giới dựa vào ý muốn chủ quan. Điều này đã khiến những người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật.

TS Phạm Quỳnh Phương. Ảnh: La Hoàn

TS Phạm Quỳnh Phương, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, tác giả của nghiên cứu về người chuyển giới mới được công bố gần đây, phân tích: “Nhiều người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật vì không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội”.

Bà Phương cho biết, ở Việt Nam chưa có bất cứ luật nào đề cập đến quyền của người đồng tính. Ngay cả nhu cầu được đổi tên, xác định lại giới tính cũng khó thực hiện.

“Vì không được đổi tên nên nhiều người phải dùng nickname. Vì bản dạng giới (cảm nhận về giới tính của mình là nam hay nữ, không nhất thiết phải trùng với giới tính sinh học) và giấy tờ khác nhau nên họ sợ đi máy bay, sợ gặp công an, khó kiếm công an việc làm”, bà Phương phân tích thêm.

“Tôi nhận thấy trách nhiệm của người làm luật”

Phát biểu tại hội thảo về người chuyển giới “Khát vọng được là chính mình” sáng 29/8, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp bày tỏ sự đồng cảm với cộng đồng người chuyển giới. Ông Thất nhận thấy rằng, cần phải điều chỉnh luật để bảo vệ quyền của người chuyển giới.

“Tôi nhận thấy trách nhiệm của chúng tôi. Cơ hội cho người chuyển giới không phải là không có bởi giai đoạn này chúng ta đang thảo luận để sửa đổi bổ sung nhiều đạo luật. Trong đó có luật hôn nhân gia đình, luật dân sự, bao gồm việc đăng kí lại khai sinh, xác định lại giới tính”, ông Thất nói.

Ông Trần Thất Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp nhận thấy cần phải sửa luật để bảo vệ quyền người chuyển giới. Ảnh: La Hoàn

“Các bạn chuyển giới có thể kiến nghị trực tiếp, đến gặp trực tiếp Bộ trưởng Tư pháp. Không có gì thuyết phục, cảm động hơn khi nghe các bạn bày tỏ, gửi kiến nghị lên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lên Thủ tướng. Đó là con đường ngắn nhất, thiết thực nhất để luật pháp có những đổi mới ghi nhận quyền của các bạn”, ông Thất đưa ra lời khuyên cho người chuyển giới.

Theo ông Thất, người chuyển giới nên làm thủ tục xác định lại giới tính trong giấy khai sinh trước, từ đó mới điều chỉnh lại CMND, hộ khẩu và giấy tờ tùy thân. “Để tránh phân biệt, mặc cảm là bệnh tật, chúng ta không dùng từ chuyển giới mà là xác định lại giới tính - trả lại tên cho em”, ông Thất nói thêm.

Ngoài việc điều chỉnh luật, nhiều người còn bày tỏ nên đưa vấn đề LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) vào trường học để nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm dần sự kỳ thị.

Bà Nguyễn Lê Hoàng Anh (Giảng viên ĐH Sư phạm HN) bày tỏ: “Là một người làm giáo dục tôi nhận thấy sự kỳ thị, phân biệt đối xử có nguyên nhân sâu xa đó là nhận thức của mọi người về LGBT chưa đúng đắn. Ngoài truyền thông, tôi nghĩ nên đem vấn đề LGBT vào giáo dục chính thống trong các bậc học để cả học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên tiếp cận. Sư phạm là kênh thông tin chính thống, lâu dài nên sẽ có hiệu quả”.

Bà Hoàng Anh đưa ra minh chứng từ chính ngôi trường mình đang giảng dạy: “Từ khi ĐH Sư phạm tổ chức được buổi giao lưu với ICS (tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới – PV) đã thay đổi nhận thức cho sinh viên rất lớn về vấn đề LGBT. Nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn được tham gia các chương trình khác có liên quan đến LGBT”.

Bất chấp những khó khăn do bị kỳ thị, sự phức tạp về pháp lý, ngày càng nhiều người chuyển giới ở khắp nơi vẫn đang sống cuộc sống của mình, nỗ lực vượt qua khó khăn và dũng cảm công khai, thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính như mong muốn, hoặc đơn giản là sống một cuộc sống ý nghĩa theo cách của họ.

La Hoàn