Theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Sở GD-ĐT thông báo đến hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị, để căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, kịp thời khắc phục những hậu quả do tội phạm để lại; động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà trường yên tâm công tác để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng nguồn ngân sách được cấp, tài sản công tại đơn vị và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, không để tội phạm xảy ra tại đơn vị.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu rõ, công tác quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu, quản lý tài chính, thu chi sử dụng ngân sách... tại một số cơ sở giáo dục còn chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo; công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về các lĩnh vực chưa kịp thời. Từ đó một số cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt hoặc các hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước. 

Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng nêu lên một số vụ án điển hình như:

- Vụ án bà Nguyễn Thị Hoàng Mỹ Thu, nguyên kế toán trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Bình Chánh. Trong quá trình làm việc từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2017, bà Thu đã thực hiện các hành vi phạm tội như:

(1) tự ghi tên mình vào tên người thụ hưởng trên 12 ủy nhiệm chi, ký giả chữ ký hiệu trưởng (chủ tài khoản), đóng dấu nhà trường, đến ngân hàng thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của nhà trường sang tài khoản cá nhân của Thu, chiếm đoạt hơn 220 triệu đồng.

(2) Thu tiền học phí bán trú của học sinh, nhưng không nhập quỹ, để ngoài sổ kế toán, chiếm đoạt gần 37 triệu đồng. Tổng số tiền bà Thu chiếm đoạt từ 2 hành vi trên là hơn 250 triệu đồng. Hành vi phạm tội đã bị TAND huyện Bình Chánh xét xử năm 2020 về tội “Tham ô tài sản”.

- Vụ án Hoàng Nguyễn Thanh Vy, nguyên kế toán trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ, Quận 11. Trong năm 2018-2019, Vy và đồng phạm đã thực hiện 3 hành vi phạm tội như sau:

(1) Rút tiền mặt nhưng chi một phần cho hoạt động của nhà trường, còn hơn 48 triệu đồng không nhập quỹ, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. (2) Chiếm đoạt hơn 8 triệu đồng tiền mua bảo hiểm xã hội cho 3 giáo viên.

(3) thỏa thuận với đơn vị bán hàng nâng khống số tiền mua hàng hơn 57 triệu đồng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Tổng số tiền Vy chiếm đoạt là 113.829.930 đồng. Hành vi phạm tội đã bị TAND Quận 11 xét xử năm 2021 về tội Tham ô tài sản.

- Vụ án Phan Thị Mỹ Dung, nguyên thủ quỹ Trường Tiểu học Tân Trụ, quận Tân Bình. Năm 2017, Dung đã thu các khoản tiền đầu năm học gồm: tiền học phí, tiền bán trú, tiền bảo hiểm tai nạn... của phụ huynh học sinh, nhưng không nộp sổ biên lai thu tiền cho kế toán để lập phiếu thu và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước, chiếm đoạt hơn 696 triệu đồng. Hành vi phạm tội đã bị TAND TP.HCM xét xử năm 2021 về tội Tham ô tài sản.

- Vụ án Lê Thị Thanh Tuyền, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Nguyễn Thị Loan, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi. Tuyền và Loan là thủ trưởng các cơ quan tham mưu cho UBND huyện Củ Chi về sử dụng ngân sách Nhà nước; là những người nắm rõ các quy định về sử dụng ngân sách đầu tư sửa chữa các công trình xây dựng; nắm rõ danh mục, hạng mục, việc lập kế hoạch, áp định mức, quy trình lập dự toán, nghiệm thu, thanh toán đối với các công trình của 7 trường trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, trong năm 2016, Tuyền, Loan và các đồng phạm thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật như: không yêu cầu lập dự toán, danh mục, kế hoạch sửa chữa, kiểm tra đơn giá, kỹ thuật...; không kiếm tra, hướng dẫn, giám sát các đơn vị đầu tư duyệt, thực hiện dự án để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đúng, đủ theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn quyết toán và cho thanh toán, gây thất thoát hơn 17 tỷ đồng của Nhà nước. Vụ án đã được TAND TP.HCM xét xử năm 2022.

Hiện nay, có 2 vụ án sai phạm về giáo dục đang trong quá trình điều tra. Đó là vụ án bà Nguyễn Ngọc Mai Phương, kế toán Trường THCS Giồng Ông Tố, Quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2015, Phương đã nâng khống hệ số lương để nâng tổng tiền chi lương, rồi chèn thêm tên người thân, số tài khoản thụ hưởng (không phải viên chức nhà trường), chuyển tiền lương từ ngân sách, sau đó yêu cầu người thân rút tiền để chiếm đoạt hơn 7,5 tỷ đồng. 

Hai là vụ án bà Đặng Thị Lan Anh, kế toán Trường Tiểu học Chi Lăng, quận Gò Vấp. Từ năm 2015 đến năm 2020, Lan Anh đã thực hiện các hành vi:

(1) Sử dụng hóa đơn khống, thanh toán tiền mua hàng hóa không đúng thực tế chiếm đoạt tiền chênh lệch hơn 1,6 tỷ đồng;

(2) chi không đúng kế hoạch và quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng hóa đơn thanh toán không đúng quy định, chi không có chứng từ hợp lệ... gây thất thoát cho nhà trường tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Thông qua giải quyết các vụ án, VKSND TP.HCM nhận thấy bên cạnh nguyên nhân cơ bản do các bị can, bị cáo thiếu tu dưỡng rèn đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật thì còn có nguyên nhân từ cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, cơ quan này cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT và các sở ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời chỉ đạo các nhà trường khắc phục những hậu quả do tội phạm để lại. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý tài sản công, nghiệp vụ tài chính, đấu thầu, đầu tư,... cho viên chức quản lý, nhân viên được giao nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục, nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ. 

Sở cũng cần thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn để cập nhật và nâng cao kiến thức cho viên chức quản lý, nhân viên chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính kế toán ngành giáo dục.

Ngoài ra, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng nguồn ngân sách được cấp tại các nhà trường, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, không để tội phạm xảy ra trong toàn ngành giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng cũng cần thực hiện thường xuyên, liên tục.