Ở nước ta, kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi còn khá khiêm tốn so với các nhóm hàng khách trong lĩnh vực nông nghiệp. Song, ngành chăn nuôi lại tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên, đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp. Năm 2022, giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 5,93% so với năm trước đó.
Song, các thông tin về sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn “mù mờ. Người chăn nuôi vào đàn theo “cảm tính” dẫn đến cung – cầu thị trường mất cân đối. Thế nên, những năm qua giá cả sản phẩm chăn nuôi bấp bênh. Chăn nuôi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sản phẩm dư thừa giá giảm mạnh, thậm chí phải kêu gọi "giải cứu"; còn khi nguồn cung thiếu hụt, mặt hàng bình dân của ngành này cũng thành đắt đỏ.
Xác định cơ sở dữ liệu là nền tảng để dự báo thị trường, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ định hướng phát triển sản xuất, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) và Tập đoàn VNPT “bắt tay” triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.
Hệ thống này được triển khai thí điểm trên 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…
Hệ thống cho phép thiết lập mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành chăn nuôi ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời cung cấp thông tin để dự báo giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, giải bài toán mất cân đối cung cầu.
Ngay khi hệ thống được triển khai, tại Hải Phòng, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đã tích cực tham gia cập nhật dữ liệu theo yêu cầu. Từ đăng ký tài khoản trên hệ thống đến kê khai dữ liệu chỉ mất vài phút đồng hồ.
Theo đó, hệ thống giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…
Ngành nông nghiệp Hải Phòng xác định, truy xuất nguồn gốc và kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong đó, tạo lập không gian mạng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuyển đổi số; thu hút, liên kết các nền tảng số liên quan hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Đồng Nai cũng đẩy mạnh cuộc đua xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi và thú ý của tỉnh. Đến nay, tỉnh triển khai 2 dự án là quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật.
Về dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật, toàn tỉnh có gần 1.200 cá nhân, tổ chức tham gia gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ lợn, thương nhân thu mua lợn, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học...
Đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có hơn 47.500 con lợn được truy xuất nguồn gốc. Dự án quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Với cơ sở dữ liệu mở, nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đồng thời, giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn, sản lượng, sản phẩm, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.