Kỹ sư đang thao tác khai thác hệ thống dữ liệu từ Nhật ký vận hành điện tử

Chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi mặt của đời sống, chuyển đổi số trong sản xuất vì thế là điều bắt buộc, dù sớm hay muộn, Và một trong các vấn đề của chuyển đổi số, của số hóa đó là cơ sở dữ liệu.

Với thực tế Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhân sự vận hành phải theo dõi, ghi và cập nhật các thông số, các dữ liệu một cách thủ công vào sổ nhật ký vận hành. Việc này không đồng bộ và đôi khi còn thiếu chính xác, nếu lấy các giá trị đó để thực hiện việc tính toán hiệu suất vận hành các tổ máy thì độ chính xác không cao, việc lưu trữ tốn kém, truy xuất tìm kiếm dữ liệu mất thời gian.

Ví dụ về bảng dữ liệu nhật ký được thu thập
Bảng dữ liệu máy nén khí

Triển khai đề tài “Nhật ký điện tử tự động trên Hệ thống Main DCS”, bằng những hiểu biết về các phần mềm thu thập dữ liệu EXAQUANTUM/Yokogawa, phần mềm điều khiển CENTUM VP/Yokogawa, các kỹ sư của Nhà máy đã thiết kế các bảng thông số có thể tự động thu thập, cập nhật thông số vận hành của phần Boiler (lò hơi), phần tua bin, phần điện, phần BOP (Balance Of Plant - phần dùng chung) và một số phần khác. Các bảng này có thể tùy chọn khoảng thời gian lấy mẫu, và chu kỳ lấy mẫu linh hoạt tùy thuộc vào nhu cầu lấy mẫu của người vận hành.

Hiện tại hệ thống bảng đang lấy mẫu cho khoảng 1 ngày và chu kỳ lấy mẫu là 2h, một số bảng thông số đã được các kỹ sư cấu hình có thể lấy dữ liệu từ trên máy tính vận hành HIS (Human Interface Station) hoặc có thể lấy tự động hàng ngày, hoặc hàng tháng theo lịch đã đặt trước. Dữ liệu thông số tổ máy được lấy một cách đồng thời, chính xác, có thể lưu trữ lâu dài, các dữ liệu có thể truy xuất một cách nhanh chóng.

Các kỹ sư có thể sử dụng cơ  sở dữ liệu này để phân tích, chẩn đoán các lỗi có thể xảy ra đối với các thiết bị. Từ đó có những điều chỉnh hệ thống phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như cải thiện được hiệu suất tổ máy. Các dữ liệu này sau này cũng có thể được chia sẻ trong các nhà máy điện làm tiền đề chuẩn bị cho các bước chuyển đổi dữ liệu tiếp theo. Hiệu quả của đề tài là rất cao, có ý nghĩa rata thiết thực trong công cuộc chuyển đổi số cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Chuyển đổi số trong sản xuất điện năng cũng giống như trong các lĩnh vực sản xuất khác, nó phải mang lại hiệu quả thiết thực như tăng tính tự động hóa, nâng cao hiệu suất. Điều này có nghĩa không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà còn là chuyển đổi tư duy của người lao động, đòi hỏi người lao động phải luôn cập nhật kiến thức và tư duy mới để đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. “Nhật ký điện tử tự động” chỉ là một trong các bước thay đổi tư duy để từng bước số hóa các quy trình sản xuất. Nhưng Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn tin rằng những bước đi nhỏ này cũng đang góp phần vào công tác chuyển đổi số nói chung cho ngành điện và toàn xã hội. 

Quốc Tuấn