Báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh cho hay, cơ quan này đã nhận diện được 04 hạn chế chủ yếu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó:
Việc truyền thông của Chương trình chưa hiệu quả, cần có một chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn, sử dụng các kênh phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chẳng hạn như thư điện tử, hội nhóm ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, và các nền tảng trực tuyến phổ biến để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận;
Việc nội dung chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn, không có chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cho thấy rằng các chương trình hiện tại chưa thực sự đáp ứng đúng đặc thù ngành nghề hoặc chưa sát với những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp quan tâm;
Việc doanh nghiệp không thể bố trí thời gian và kinh phí cho thấy sự căng thẳng về nguồn lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đối với những doanh nghiệp này, việc tham gia các hoạt động bồi dưỡng có thể bị coi là chi phí và thời gian không cần thiết trong ngắn hạn;
Vấn đề không có chủ trương cử cán bộ đi bồi dưỡng phản ánh sự thiếu nhận thức từ lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ giá trị của việc đầu tư vào pháp chế, dẫn đến việc họ không ưu tiên cho các chương trình bồi dưỡng.
Do đó, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đề xuất: tăng cường truyền thông, có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và tiếp cận sâu rộng hơn về các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; các chương trình cần được thiết kế linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng loại hình doanh nghiệp; các chương trình bồi dưỡng có thể được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia; cần có các hoạt động tuyên truyền và vận động lãnh đạo doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đầu tư vào pháp luật và pháp chế.
PV