Thời gian gần đây, tình trạng mua bán người tại tỉnh Sóc Trăng có chiều hướng phức tạp trở lại. Các đối tượng lợi dụng việc thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo, môi giới phụ nữ lấy chồng nước ngoài hoặc giới thiệu việc làm ở các thành phố lớn, lao động hợp tác ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó lừa nạn nhân để bán ra nước ngoài.

Cơ quan chức năng đã triệt phá được một số đường dây mua bán người diễn ra trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Chuyên án ST1233 về phối hợp đấu tranh triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng. Sáng 28/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tổ chức tổng kết Chuyên án này. 

Theo đó, ngày 24/11/2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận đơn tố cáo của cháu T.T.D.H (SN 2009), trú tại ấp Xung Thum B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) về việc bị một người phụ nữ có tài khoản Facebook “Yếnn Bắpp”, lừa giới thiệu làm việc tại tỉnh Tây Ninh với mức lương 23 triệu đồng/tháng. Sau đó, nạn nhân lại bị đưa sang Campuchia làm việc cho công ty của người nước ngoài. Mỗi ngày, nạn nhân phải làm từ 13 đến 16 giờ và không được trả lương đầy đủ, bị bóc lột sức lao động, sau đó đòi tiền chuộc.

mua bán người sóc trăng.jpg
Lực lượng Bộ đội Biên phòng triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi.

Qua điều tra, các trinh sát xác định người có nick Facebook là “Yếnn Bắpp” có tên thật là Ngô Thị Mỹ Yên (SN 2002), quê quán: Khóm Vĩnh Trung, phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đối tượng Yên dùng tài khoản Facebook, Zalo “Yếnn Bắpp”, “Mỹ Yến” đăng thông tin tuyển dụng lao động độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, biết sử dụng máy tính căn bản, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, lương một tháng từ 20 đến 25 triệu đồng.

Đối tượng Yến trực tiếp hướng dẫn nạn nhân đi đến khu vực giáp biên giới rồi tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở sang Campuchia trong đêm tối. Sau đó, bán vào công ty chuyên lừa đảo giới thiệu việc làm qua các trang mạng xã hội.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập Chuyên án ST1223 để phối hợp, đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán người này.

Ngày 4/1/2024 Ban Chuyên án đã tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “mua bán người dưới 16 tuổi”. Đồng thời, hoàn chỉnh thủ tục bàn giao người, hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng; hướng dẫn, hỗ trợ 4/6 nạn nhân tự giải cứu về Việt Nam.

Đại tá Trịnh Kim Khâm, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác điều tra, phá án thời gian qua, đặc biệt là trong Chuyên án ST1223.

Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, tăng cường bám nắm địa bàn, đối tượng; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhất là các địa bàn trọng điểm; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật ở địa bàn biên giới của tỉnh.

W-20230609_114527.jpg
Chính quyền, lực lượng công an, dân phòng tuyên truyền phòng, chống mua bán người đến bà con. 

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi liên quan đến mua bán người, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy bạn nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện một số công tác trọng tâm.

Cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; nâng cao hơn nữa hiệu quả việc lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động giúp người dân ổn định cuộc sống. 

Trong công tác tuyên truyền, chú trọng phổ biến, thông tin về tình hình tội phạm, nguy cơ, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán. 

Nghiên cứu ứng dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; giúp người dân nâng cao nhận thức để cảnh giác, không bị dụ dỗ, lừa gạt; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.

Tăng cường quản lý, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ mua bán người; tập trung vào các lĩnh vực tư vấn lao động (nhất là môi giới "việc nhẹ lương cao"), đưa người đi làm việc ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, dịch vụ Internet, mạng xã hội, hoạt động du lịch, cơ sở lựu trú, các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm...; tránh việc lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi mua bán người.

Tăng thời lượng, chất lượng đưa tin bài, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người; về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Đồng thời, khuyến cáo người dần khi gặp các vấn đề có liên quan nạn mua bán người, kịp thời thông báo cho cơ quan có chức năng để xử lý theo quy định. 

Quỳnh Nga