Tại Hội nghị Triển khai nội dung trọng tâm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho hay, để triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, Sơn La thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt phổ biến nội dung và kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, thông tin truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã.

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: Các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu. Đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. 

Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.

Để đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số, tỉnh tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng ở nông thôn. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở Sơn La.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan ban hành. Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Hùng, để triển khai có hiệu quả các chương trình, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; phát triển hạ tầng số và dữ liệu số trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt cần tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã. Nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 ở cấp xã. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng intemet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn...)

Xây dựng thí điểm các mô hình: xã, bản nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn..). Mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân).

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; vốn ngân sách địa phương; vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; vốn huy động hợp pháp khác. Thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định của pháp luật hiện hành.

UBND tỉnh Sơn La giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh. 

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV