Từ trước tới nay, với mỗi scandal đạo nhạc, công chúng cũng như nghệ sĩ trong showbiz đều đồng nhất và kịch liệt lên án. Nhưng, trường hợp của Sơn Tùng MTP lại tạo ra một tiền lệ chưa từng có. Nam ca sỹ đưa cả làng nhạc Việt lẫn khán giả vào một cuộc tranh luận gay gắt không hồi kết: Mượn beat không hỏi có phải là đạo nhạc?
Mới đây, "Vpop dậy sóng" với việc Sơn Tùng MTP bị tố đạo nhạc nước ngoài với hàng loạt các hit như Cơn mưa ngang qua giống Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla Family, Em của ngày hôm qua giống Every night của nhóm nhạc EXID, Nắng ấm xa dần rất giống As one của Monologue, Em đừng đi giống Still của nhóm FLOWER,.... Không chỉ Sơn Tùng, gần đây nhất bản hit Người nào đó của JustaTee cũng bị tố là sử dụng toàn bộ beat từ ca khúc Fly của Brabo Gator.
Trong showbiz Việt, có hàng loạt những cái tên từng gắn với những scandal đạo nhạc, đạo ý tưởng như Phạm Hồng Phước, Thủy Tiên, Khắc Việt, Cao Thái Sơn, Bảo Thy, Ưng Hoàng Phúc, Noo Phước Thịnh, Khắc Việt, Hoàng Thùy Linh,..... Đối với nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, việc đạo ý tưởng của người khác là điều không thể chấp nhận được dù lý do được đưa ra là gì. Và từ trước đến nay, những vụ việc này đều bị công chúng cũng như chính những người trong nghề lên án, chỉ trích mạnh mẽ với chung một quan điểm rằng việc làm này là sai trái.
Thuộc dòng nhạc Underground là lý do mà fan dùng để bênh vực Sơn Tùng và JustaTee |
Nhưng, sau vụ việc của Sơn Tùng MTP và JustaTee thì có vẻ định nghĩa thế nào là đạo nhạc cần phải được xem xét lại. Chưa bao giờ trong làng nhạc Việt cũng như dư luận lại có một cuộc tranh luận gay gắt và đa chiều đến thế.
Cuộc tranh luận trong Vpop
Cũng chia làm "hai phe", một bên thì cho rằng Sơn Tùng MTP đã đạo nhạc của Nhật, của Hàn là điều không còn gì để bàn cãi và một bên thì lên tiếng bênh vực rằng việc sử dụng beat nhạc của người khác không phải là đạo nhạc.
Phe thứ nhất chiếm đa số với rất nhiều cái tên như Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hải Phong, Đinh Mạnh Ninh, Dương Khắc Linh, Lưu Thiên Hương,.... Lý do để những người trong nghề cho rằng Sơn Tùng đã đạo nhạc chính là dù sử dụng beat mà không xin phép cũng là vi phạm bản quyền, là đạo nhạc vì phần beat cũng là sự sáng tạo, là công sức của người khác.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng “Đừng mắc bẫy và ngụy biện về beat mà không đánh giá sự tương đồng về các nốt nhạc trong một chuỗi hòa âm”. Về quan điểm của nhiều khán giả cho rằng vì Sơn Tùng thuộc giới Underground nên lấy phần beat nhạc của người khác để sử dụng trong ca khúc của mình không gọi là đạo nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng không thể lấy đó làm lý do và “đừng đổ vấy lên cả giới Underground”.
Hàng loạt ca sĩ, nhạc sĩ trong Vpop lên tiếng khẳng định Sơn Tùng MTP đạo nhạc |
Muốn làm rõ Sơn Tùng có đạo nhạc hay không, cần có một định nghĩa chính xác thế nào là đạo nhạc. Và nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng: “Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hoà thanh và hoà âm” và “Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp”.
Trong khi đó, nằm trong số ít những người trong nghề bênh vực Sơn Tùng, nhạc sỹ Nguyễn Cường lại khẳng định rằng Sơn Tùng không hề đạo nhạc. Bởi, theo nhạc sỹ Nguyễn Cường thì “việc dùng bản hòa âm phối khí có sẵn đã được áp dụng trên thế giới từ cách đây hàng trăm năm” và làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn là một môn học trong Học viện âm nhạc đàng hoàng nên “việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây trăm năm.”
Cuộc khẩu chiến trong công chúng
Phải nói rằng dù mới nổi nhưng Sơn Tùng MTP và JustaTee có một lượng fan rất lớn và đa phần trong số đó là fan hâm mộ trẻ tuổi. Vì vậy, cuộc khẩu chiến bênh vực thần tượng trên các diễn đàn trở nên vô cùng gay gắt. Thậm chí, mọi chuyện có vẻ đang được đẩy đi quá xa khi mà rất nhiều người tham gia vào các cuộc tranh luận trên các diễn đàn dần mất kiểm soát.
Mọi tranh cãi cũng bắt đầu từ việc Sơn Tùng MTP và JustaTee xuất thân từ dòng nhạc Underground. Dù trong trường hợp của Sơn Tùng MTP thì ranh giới giữa Underground và Overground dường như đang khá mờ nhạt. Nhưng, một lượng lớn fan của chàng ca sĩ mới nổi này vẫn kiên quyết bảo vệ thần tượng với quan điểm rằng “Underground sử dụng beat nhạc của người khác thì không thể gọi là đạo nhạc”.
Vừa mới nổi, Sơn Tùng đã tạo ra một cuộc chiến nảy lửa trên các diễn đàn |
Khán giả có nickname Mar Xuân chia sẻ rằng: “dù có nói thế nào thì tài năng của cậu bạn sinh năm 94 này vẫn không thể phủ nhận được. Tôi luôn ủng hộ bạn MTP”. Đồng quan điểm đó, bất chấp những nhận xét từ phía những ca sĩ, nhạc sĩ trong Vpop, rất nhiều fan liên tục khẳng định ủng hộ Sơn Tùng.
Khán giả có nickname Hoàng Đảm thậm chí còn so sánh scandal của Sơn Tùng và Flappy Bird: “Nếu Sơn Tùng không nổi như cồn, không có hit hơn 150 triệu lượt nghe thì chắc không có chuyện này đâu. Toàn ghen ăn tức ở. Flappy Bird của Hoài Đông chết uổng là 1 bài học còn chưa đủ sao ???”
Trái với quan điểm này, khán giả có nickname Kền Kền lại phê phán các fan của Sơn Tùng: “Những người chuyên đi đạo nhạc, đạo phong cách, đạo nhái từa lưa thì lại đi bao biện, bảo vệ, lại còn mạnh mồm “có tài mới đạo được hay như vậy”. Lạy trời, có tài thì tự mình đi tạo ra cái riêng của mình đi, bất tài mới phải đi ăn cắp cái tài của người khác.”
Vụ việc của Sơn Tùng MTP vẫn còn chưa ngã ngũ và cuộc tranh luận giữa các bên có vẻ còn lâu mới có hồi kết. Xét cho cùng, cuộc tranh luận này cũng sẽ không bao giờ có kẻ thắng – người thua bởi không ai có thể thuyết phục những người ủng hộ Sơn Tùng rằng hành động của anh là sai trái và cũng chẳng ai có thể thuyết phục nổi những người phản đối rằng Sơn Tùng không hề đạo nhạc
Trong khi đó, chính người trong cuộc Sơn Tùng MTP sau khi lên tiếng thừa nhận mình sử dụng beat nhạc nhưng khẳng định đó không phải là đạo nhạc thì đã đi nước ngoài lưu diễn, mặc cho mọi người tranh luận về mình.
Theo Khampha