Thế giới đã có hơn 250 triệu người mắc Covid-19 -  điều mà không mấy ai hình dung nổi vào giai đoạn đầu của đại dịch này. Trong khi vẫn chưa có đủ vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho người dân thì cũng chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, loài người - nhất là các nước chủ động vắc xin lại phải tính đến chuyện tiêm tiếp mũi 3, lý do bởi hiệu quả sinh kháng thể. 

{keywords}
Hãy coi “sống chung” với Covid-19 như một điều tất yếu

Tôi thấy đây là “thời gian vàng” để tận dụng phát triển kinh tế nhưng nếu chủ quan, nóng vội, sai đối sách thì hậu quả cũng thật khôn lường. 

Hãy coi “sống chung” với Covid-19 như một điều tất yếu. Theo thống kê, tính đến 23h ngày 7/11, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 250 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5 triệu người tử vong. Số khỏi bệnh là 226,7 triệu người. 

Tôi viện dẫn ra những con số này là có ý muốn nói, dù chúng ta cũng có chủ quan, sai lầm nhất định vào một vài thời điểm, nhưng về cơ bản vẫn là nước đang làm công tác chống dịch khá tốt. Tỷ lệ người tử vong khoảng 1 tháng qua đã giảm rõ rệt. 

Hiện nay, cái chúng ta cần để phục hồi kinh tế, không bị đứt gãy và lâm vào khủng hoảng sâu thêm, đó là cách bình tĩnh tìm ra đối sách sống chung với Covid-19 theo hướng thích nghi mới. Hậu quả của việc thận trọng thái quá mà thiếu đi bản lĩnh cần thiết từ người có trách nhiệm dễ dẫn tới nền kinh tế khủng hoảng thê thảm. 

Tư tưởng chỉ đạo phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước ta đã thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, không thể có chuyện chỉ đạo tốt, chủ trương đúng mà đã đủ. Nó rất cần có sự đồng lòng và nhờ ý thức tuân thủ 5K + vắc xin của người dân. 

Cách đây vài tuần, có ngày cả nước chỉ còn khoảng 3.700 - 3.800 ca nhiễm. Thế nhưng tuần gần đây, con số mỗi ngày lại tăng dần và như ngày 6/11 lại thành gấp đôi thì mới thấy thật đáng lo. Song, dù thế nào thì cũng không nên quay trở lại biện pháp chống dịch kiểu cũ như thực hiện giãn cách xã hội quá rộng. Chủ trương “sống chung” với Covid-19 thật sự là thách thức lớn vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận để vượt qua. Không thể khác!  

Dám chấp nhận như từng để Internet “đổ bộ” 

Có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại một chuyện gọi là” thâm cung bí sử” cách đây 24 năm. Nay tôi xin phép nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông - GS. TSKH Đỗ Trung Tá được kể lại, nhất là chỉ còn hơn chục ngày nữa chúng ta kỷ niệm ngày Internet “đổ bộ” vào Việt Nam (19/11/1997).

Sau những tính toán cân nhắc thận trọng, thậm chí còn ngại ngùng của một số người có trách nhiệm thì ngày đó Đảng, Nhà nước ta đã chấp nhận cho mở cửa Internet dù rất biết khả năng sẽ có cả “làn gió độc” ùa vào. Nếu không mạnh dạn, táo bạo và tự tin chấp nhận từ ngày đó thì làm sao Việt Nam hôm nay có cuộc cách mạng về công nghệ thông tin sáng sủa và hiện đại như bây giờ.  

{keywords}
Ảnh: Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh TP Huế

Ở thời điểm sơ khai của năm 1997 về Internet ngày đó, ngành công nghệ thông tin đã có một lớp cán bộ lãnh đạo có trình độ, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, biết đi trước đón đầu khá sớm. 

Họ là các ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông; TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực cùng nhiều vị khác, hoặc là cấp trên của ngành như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, hay các vị ở một số bộ, ngành có liên quan như GS Viện sĩ Đặng Hữu, TS Phạm Gia Khiêm (khi ông ở vai trò Bộ trưởng Khoa học Công nghệ), như  PGS.TS Chu Hảo, như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công an)... 

Và, tiếp nữa là một lớp các nhà khoa học chuyên sâu thực hiện trực tiếp, xem như những "người Việt trong nước đầu tiên dùng Internet". Đó là TS Trần Bá Thái (Viện Khoa học Việt Nam), TS Vũ Hoàng Liên (VDC)... Họ đã có ảnh hưởng rất to lớn trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam khi biết rằng, Internet là một kỳ tích về công nghệ thông tin của xã hội loài người. Nếu ai biết chớp thời cơ sớm thì sẽ có lợi và đó cũng là con đường tất yếu sẽ phải đến. 

Với GS.TSKH Đỗ Trung Tá, vào thời điểm ông đương chức Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, tôi đã được ông kể cho nghe một câu chuyện thú vị rằng: 

Trước sức ép của Internet khi sớm muộn rồi cũng vào Việt Nam với những tiêu cực nhỡn tiền khó cản, ông Tá, khi đó là ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) - thời gian chưa thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông.

Lãnh đạo ngành đã tính chuyện cần sớm báo cáo các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ để lường trước tất cả cái hay cái dở của Internet. Đồng thời, đề xuất cho phép đưa Internet vào nước ta, nhưng sẽ khắc phục bằng cách tạo "bức tường lửa" hầu ngăn chặn phần nào những cuộc "xâm lăng" với những nội dung xấu độc có thể sẽ bất lợi này. 

Nhân hội nghị Ban chấp hành TƯ lần 2, khóa 8 (tháng 12/1996), bàn về khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo, ông Đỗ Trung Tá đã trình bày kiến nghị đưa Internet vào Việt Nam như một giải pháp ưu tiên cho phát triển khoa học và đào tạo.

Để tạo hậu thuẫn cho chủ trương này, từ trước đó, ông và các cộng sự đã đi gặp gỡ một số vị lãnh đạo trong các ban Đảng và các bộ có liên quan để thuyết phục trước khi trình hội nghị TƯ. Thời điểm đó, không hẳn câu chuyện Internet đã nhận được đồng thuận cao. 

Chính vì vậy, ông Tá không khỏi lo lắng khi trình bày trước Ban chấp hành TƯ, nhất là khi đó ông mới trúng vào TƯ chưa đầy 1 năm. Nhằm tăng tính thuyết phục, ông xin phép bố trí hẳn một phòng máy để thuyết trình với tất cả các vị tham gia hội nghị TƯ 2 về xu hướng tất yếu, về thế mạnh, cái hay của Internet cũng như hậu quả, mặt trái mà nó sẽ mang lại. 

Lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng 

Xin mở ngoặc thêm chỗ này. Trước khi trình hội nghị TƯ 2 , ông Tá đã gặp riêng Tổng bí thư Đỗ Mười để giới thiệu với người đứng đầu Đảng về những thông tin mà các thế lực thù địch ra rả lan truyền bịa đặt. “Ông cụ coi xong cũng lắc đầu và tỏ ý lo lắng nhất định”, ông Tá kể. Sau khi nghe trình bày, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông. 

Ông Đỗ Trung Tá nhớ lại: "Công việc mới đang triển khai khẩn trương chưa được bao lâu thì đùng một cái có thông tin của nội bộ bị rò rỉ ra ngoài và lan nhanh trên mạng.  

Ông cụ (Tổng bí thư Đỗ Mười) gọi gấp tớ đến, chưa kịp hiểu việc gì thì cụ bức xúc nói: Anh Tá ơi, anh vừa bảo với tôi hôm trước là chúng ta có 'bức tường lửa' để ngăn chặn những thông tin xấu. Vậy anh chặn nó bằng gì? Có phải vì anh 'đốt' nó bằng... củi nên chúng cháy chậm quá, khiến thông tin mới lọt ra nhanh như vậy không? Nói xong, cụ nở nụ cười như có ý nói nhẹ đi. Có lẽ chắc để tớ bớt lúng túng, căng thẳng”.  

Ông Tá cũng cảm nhận được đó là lời nhắc nhở nghiêm túc nhưng đầy khích lệ, giao trọng trách từ người đứng đầu Đảng. 

Giờ đây, sau 21 năm, chúng ta càng thấy tầm nhìn của người lãnh đạo trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội đều rất quan trọng. Nếu như chúng ta bảo thủ, rón rén sợ sệt, không dám đón nhận cái mới của nhân loại chỉ mong để cho an toàn thì không biết đất nước mình rồi sẽ ra sao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là một trong những lĩnh vực mà chúng ta có thể tự hào bởi cách đi tắt đón đầu rất bản lĩnh của một thế hệ lãnh đạo ngành cách đây trên 20 năm. 

Trong cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, chúng ta luôn rất cần các nhà lãnh đạo đủ bản lĩnh, chủ động lường trước những khó khăn khi chấp nhận “sống chung” với Covid-19. Chỉ có điều, hơn ai hết, chính mỗi người dân cần có ý thức phòng ngừa tốt nhất để tránh bị lây nhiễm dịch bệnh và cả sự lây nhiễm bởi mạng xã hội độc hại, không lành mạnh. 

Lịch sử rồi đây cũng vậy. Hậu thế lại có dịp nhìn nhận lại sự kiện đại dịch Covid-19 mà cha anh đã chiến đấu bản lĩnh ra sao, sai đúng thế nào… 

Quốc Phong

Quan chức hội họp, họ hàng cưới hỏi... thời nay phải thay đổi hết

Quan chức hội họp, họ hàng cưới hỏi... thời nay phải thay đổi hết

Những cuộc hội thảo, hội nghị diễn ra gọn gàng hơn. Những đám cưới không còn mời tràn lan cả ngàn thực khách... Nhờ đại dịch, một nếp sống mới có thể sẽ hình thành, văn minh hơn cũ.