Startup có tên Engineer.ai (đây cũng là website của startup luôn) tuyên bố dõng dạc: họ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động hóa quá trình phát triển ứng dụng di động. Vậy mà nguồn tin mới lại cho thấy một cái nhìn khác vào Engineer.ai, một loạt cựu nhân viên của Engineer.ai, thậm chí cả một số nhân viên hiện hành, nói rằng công ty đã phóng đại khả năng của họ. Mục đích của những lời nói rồi quá rõ ràng rồi: để thu hút thêm các nhà đầu tư cũng như khách hàng.

Người ta dùng cụm “công nghệ trí tuệ nhân tạo” để nói tới khả năng máy tính thực hiện những công việc vốn cần tới sự giám sát của con người, tuyên bố sai sự thật của Engineer.ai cho thấy thị trường cạnh tranh gắt gao nhường nào, và cho thấy một công ty sẵn sàng làm những gì để kiếm ra tiền. Bản thân công nghệ AI cũng còn quá non trẻ, chưa được định nghĩa chính xác, nên những người không quen thuộc với thuật ngữ mới sẽ chưa thể nhận định phần nào của công việc đã được tự động hóa, đâu là chỗ có bàn tay con người nhúng vào.

Thế nhưng ngành công nghiệp AI vẫn thu hút được một lượng vốn khổng lồ, và nhiều startup dựa vào cụm từ “công nghệ AI” để đưa ra các tuyên bố bùi tai, nhằm lôi kéo các nhà đầu tư và các tập đoàn lớn tham gia dự án. 

Trong những năm gần đây, số lượng trang web đăng ký tên miền .ai tăng gấp đôi, lượng tiền vốn đổ vào các startup AI đã tăng tới 31 tỷ USD trong khoảng 2017-2018. Tháng Bảy năm nay, tập đoàn Softbank Group tới từ Nhật Bản công bố quỹ đầu tư AI trị giá 108 tỷ USD.

Lại nói về Engineer.ai. Trong năm ngoái, họ gọi được số vốn 29,5 triệu USD, nguồn tiền tới từ các nhà đầu tư có tiếng như Deepcore Inc. - một công ty con trực thuộc Softbank, Lakestar - công ty tới từ Zurich, là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Facebook và Airbnb.

Lý do để người ta đổ tiền vào Engineer.ai: họ tuyên bố “AI được hỗ trợ bởi con người” của họ có thể biến bất kỳ người dùng nào thành một nhà phát triển ứng dụng, chỉ cần click vào vài lựa chọn trên menu của website họ là xong. Người dùng có thể chọn những ứng dụng gần giống với ý tưởng ban đầu của họ - ví dụ như Facebook hay Uber, để rồi Engineer.ai tự động tạo ra một ứng dụng mới. Quá trình phát triển app này tiện lợi, ít tốn kém và nhanh chóng hơn nhiều.

Chúng tôi đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có tên Natasha, cho phép bất kỳ ai cũng có thể tự tạo một phần mềm, quá trình đơn giản như việc bạn đặt bánh pizza vậy”, Sachin Dev Duggal, người sáng lập Engineer.ai nói hồi năm ngoái. Bởi lẽ những dòng code bên dưới những ứng dụng nổi tiếng có nhiều điểm tương đồng, “AI được hỗ trợ bởi con người” của họ có thể nhanh chóng tạo ra một ứng dụng mới dựa trên những gì đã có.

Trên sân khấu, Sachin Dev Duggal tiếp tục nói: khoảng 82% số ứng dụng Engineer.ai tạo ra “được xây dựng tự động, chỉ trong giờ đầu tiên”, tất cả đều nhờ vào công nghệ tiên tiến của Engineer.ai. Thực tế không phải vậy.

Tờ Wall Street Journal đã nghiên cứu kỹ những tài liệu lọt ra ngoài, một số nhân viên cũ và mới của Engineer.ai, để ta có kết luận ban đầu: Engineer.ai không hề sử dụng AI để dựng code và tạp app, hóa ra công ty tận dụng nhân lực địa phương - những kỹ sư phần mềm tại chính Ấn Độ để làm phần lớn công việc. Tuyên bố của Engineer.ai chỉ là lời nói suông.

Theo một nguồn tin giấu tên cho hay, Engineer.ai mới chỉ bắt đầu xây dựng công nghệ AI mà họ vẫn quảng bá nhiều năm nay khoảng 2 tháng trở lại đây. Cũng theo nguồn tin trên, họ ước tính phải một năm nữa để công nghệ AI của Engineer.ai bắt kịp với tuyên bố của công ty.

Khi được hỏi về vấn đề nhạy cảm, phát ngôn viên của Engineer.ai trả lời vòng vo, rằng anh Duggal là người “minh bạch trong mọi việc mình làm”. Một phát ngôn viên khác từ phía Softbank từ chối trả lời câu hỏi của Wall Street Journal.

Sachin Dev Duggal

Các nhà đầu tư, những người quen thuộc với các startup AI, những người đã và đang làm việc trong ngành trí tuệ nhân tạo nói chung và với Engineer.ai nói riêng, có những cái nhìn khác nhau vào vấn đề này. 

Giám đốc kinh doanh cũ của Engineer.ai, Robert Holdheim nói: “Mọi startup công nghệ đều nói quá lên để gọi được vốn - số tiền đó cho phép chúng tôi phát triển công nghệ. Tuy nhiên, ông Holdheim nói thêm rằng anh Duggal “nói với nhà đầu tư rằng Engineer.ai là một sản phẩm hoàn thiện tới 80%, trong khi đó anh ta còn chưa bắt tay vào xây dựng hệ thống như hứa hẹn”.

Phát ngôn viên của Engineer.ai nói rằng quá trình tính toán giá thành sản phẩm và thời gian hoàn thành ứng dụng theo yêu cầu là hoàn toàn tự động. Bên cạnh đó, họ còn ứng dụng một phần công nghệ phân tích ngôn ngữ tự nhiên, một công nghệ AI cho phép máy móc nhận dạng và hiểu được chữ viết hay giọng nói. Chưa hết, Engineer.ai còn sử dụng cây quyết định - decision tree, một dạng biểu đồ thể hiện chuỗi hành động - hệ quả.

Có chút vấn đề với tuyên bố trên. 

Cựu nhân viên cùng một số người hiện đang làm việc cho Engineer.ai nói rằng giá thành và thời gian làm app sinh ra nhờ một phần mềm tính toán chứ không phải AI, đa phần công việc đều được làm thủ công. Thậm chí quy trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng có nhiều thiếu sót, chưa kể hệ thống cây quyết định không thể được nói quá lên thành “trí tuệ nhân tạo”.

Theo lời Luka Crnkovic-Friis, CEO của Peltarion, công ty Thụy Điển kinh doanh phần mềm, với đối tượng khách hàng là các đơn vị phát triển AI deep learning, thì việc gọi cây quyết định là AI “hơi quá lời”.

Nếu bạn nói với khách hàng rằng bạn đang sử dụng trí tuệ nhân tạo, họ sẽ không nghĩ bạn đang dùng công nghệ có từ thập niên 50. Cây quyết định là thứ công nghệ cũ rích và quá đơn giản”, Crnkovic-Friis nói.

Xu hướng sử dụng từ ngữ to tát, đơn cử như “trí tuệ nhân tạo”, để tăng giá trị startup đang trên đà lên, đi theo xu hướng người người nhà nhà thành lập startup hiện tại. Phân tích 2.830 startup mới ở Châu Âu cho thấy: nếu cụm từ “trí tuệ nhân tạo” xuất hiện trong phần mô tả của startup, họ sẽ gọi được số vốn nhiều hơn từ 15-30% so với các startup khác. Khoảng 40% trong số các đơn vị khẳng định mình có AI lại chẳng làm ra được sản phẩm chứa AI nào.

Theo lời Crnkovic-Friis, nhiều startup bắt tay vào làm rồi mới thấy làm AI khó hơn họ tưởng nhiều. Bên cạnh đó, để xây dựng được một hệ thống trí tuệ nhân tạo hiệu quả, phải mất nhiều năm thu thập dữ liệu cũng như huấn luyện thuật toán machine learning cho thuần thục.

Một số người hiểu ít nhiều về hoạt động của Engineer.ai nói rằng startup công nghệ này còn chưa thu thập được những dữ liệu cần thiết. Phát ngôn viên của Engineer.ai lại nói khác, rằng startup đã thu thập được hơn 600 triệu bản dữ liệu, lấy từ hành động tương tác giữa khách hàng và AI của hãng, bên cạnh những dữ liệu khác nữa.

Crnkovic-Friis nhận định: nhiều công ty hiện nay sử dụng nhân lực chạy cơm để làm thay việc của các hệ thống chạy điện. Nếu tình trạng này kéo dài và những vụ việc tương tự vỡ lở, người ta sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm tới “trí tuệ nhân tạo”, ảnh hưởng trực tiếp tới những startup thực sự làm được những gì họ hứa hẹn.

Theo GenK