Đa phần các startup khi được hỏi có nên thuê CEO hay không thì các startup đều trả lời không. Bởi CEO chính là "linh hồn" của startup nên không thể đi thuê. Tuy nhiên, lại có ý kiến ngược lại và những ý kiến này đã tạo nên những góc nhìn khác nhau của giới startup về vấn đề này.
Vì sao nhiều startup không muốn thuê CEO?
Nhiều startup cho rằng, khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, nhất là những năm đầu hoạt động thì không nên thuê CEO. Vì lúc này, tài chính của các startup rất hạn hẹp và thậm chí không đủ để trang trải cho việc phát triển sản phẩm, trong khi tiền để thuê CEO không hề ít.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO & Cofounder của ezCloud Technologies - nền tảng kinh doanh và quản lý, cho rằng: "Trong 10 năm đầu tiên, vai trò của CEO rất quan trọng nên founder nên nắm giữ vị trí này, đây là thời điểm then chốt để xây dựng văn hóa, mô hình, cũng như sự tăng trưởng của doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO & Co – founder của ezCloud Technologies (nền tảng kinh doanh và quản lý có thị phần số 1 Việt Nam)
Đồng thời, khi các startup muốn tìm một người phù hợp với văn hóa, định hướng sản phẩm, định hướng về mặt kinh doanh lại càng không phải là điều dễ dàng.
"Với những tập đoàn lớn, họ có những hệ thống, có bộ máy và quy trình riêng. CEO đến và ra đi cũng không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nhưng với một doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp startup, mọi thứ đang còn sơ khai và cần hoàn thiện thì việc thuê CEO là rất khó khăn", CEO ezCloud Technologies lập luận.
Các startup coi CEO như "linh hồn" của doanh nghiệp, vì thế nếu không phải là những cộng sự đi cùng thì họ sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định để một người ngoài cuộc nắm giữ vị trí này. Các startup cũng lo lắng rằng, nếu thuê CEO làm tốt thì sẽ giúp doanh nghiệp đi rất nhanh, nhưng nếu họ làm không tốt thì doanh nghiệp cũng nhanh chóng phá sản.
Trong thời gian đầu khi mới bắt đầu phát triển, các doanh nghiệp startup đang cần rất nhiều vốn và sẽ phải kêu gọi đầu tư. Nếu muốn có một hồ sơ đẹp trong mắt nhà đầu tư, họ phải dành toàn thời gian để tập trung vào phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, với nhiều người, việc thuê CEO gần như là điều cấm kỵ.
Ông Nguyễn Hoàng Dương chia sẻ: "Bản thân ezCloud đã nhận được đầu tư từ một số nhà đầu tư. Chúng tôi thường gặp phải câu hỏi từ các nhà đầu tư là "Anh có phải là founder không và anh có dành toàn thời gian để phát triển doanh nghiệp không?"
Nếu tôi thuê CEO thì không có lý do gì để nhà đầu tư tin tưởng vào sự nỗ lực, tinh thần chiến đấu của mình. Để thành công startup cần rất nhiều thời gian, với một CEO thuê ngoài thì không có gì để đảm bảo họ có thể đi với mình lâu dài".
Như vậy, có ba yếu tố chính mà các startup không muốn thuê CEO đó chính là mức chi phí quá lớn, không nhận được sự tin tưởng từ nhà đầu tư và cuối cùng là lòng trung thành để cùng đồng hành lâu dài.
Đến một thời điểm thích hợp
startup phải học cách… lùi lại
Thời điểm đầu, startup có thể không thuê CEO vì họ có thể kiểm soát cũng như điều hành được doanh nghiệp của mình. Nhưng đến một thời điểm khi doanh nghiệp của họ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, mọi thứ không còn nằm trong tầm kiểm soát của startup thì việc thuê CEO là điều phải làm. Tuy nhiên không phải startup nào cũng nhận ra điều này.
Ông Nguyễn Hoàng Dương chia sẻ: "Rất ít khi chúng ta nhìn thấy được năng lực quản trị của cá nhân không đáp ứng được nhu cầu phát triển của công ty và sự kỳ vọng của nhà đầu tư".
Các startup thường xuất thân từ những một lĩnh vực mà họ giỏi, vì vậy khi doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và tăng về quy mô thì bản thân sáng lập viên của startup không còn đủ năng lực để lãnh đạo và điều hành là điều đương nhiên.
"Mục tiêu của của chúng tôi vẫn là đi và phải sống. Đến một lúc nào đó chúng ta phải thừa nhận mình không còn đủ năng lực để quản trị và phải chuyển giao vị trí CEO cho người khác", CEO ezCloud Technologies nói.
Dựa theo nghiên cứu khách hàng 10 năm với khoảng hơn 200 startup ở Mỹ, một vị giáo sư đã chỉ ra rằng, trong 3 năm đầu của startup có tới 50% người sáng lập không nắm giữ vị trí CEO. Trong năm thứ 4, con số này tăng lên 40% và khi startup tiến đến giai đoạn gọi vốn IPO thì có đến 75% founder rời vị trí CEO và chuyển sang các vị trí khác như CTO (giám đốc công nghệ), CFO (giám đốc chiến lược).
Theo chứng minh từ thực tế cũng cho thấy năng suất trung bình và hiệu quả kinh doanh của những startup có CEO là người sáng lập thường thấp hơn so với những doanh nghiệp thuê người ngoài làm CEO. Những nhà sáng lập khổng lồ như Microsoft, Apple, Google đều tiến hành chuyển giao vị trí CEO ở những giai đoạn kinh doanh quan trọng để hướng đến việc mở rộng quy mô và cải tổ bộ máy.
Theo Trí Thức Trẻ