Sự kiện môi trường do Formosa gây ra ở Hà Tĩnh đã tác động ngay đến lượng người thất nghiệp, khai thác thủy sản, kéo theo đó là tăng trưởng GDP.

Những sự cố bất lợi

9 tháng năm 2016, GDP chỉ tăng trưởng 5,93%, thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Dù vậy, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia vẫn nhấn mạnh đó là sự “bứt phá mạnh mẽ” khi tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%, cao hơn 2 quý trước đó.

Khi khai khoáng và nông nghiệp “đuối sức”, ông Tuyến cho rằng mức tăng trưởng trên đã “phá vỡ quan điểm lâu nay là tăng trưởng của Việt Nam dựa vào khai thác tài nguyên”.

{keywords}
Việc Formosa xả thải đầu độc môi trường đã khiến dư luận nổi sóng.

Trong đánh giá kinh tế 9 tháng, Tổng cục Thống kê cũng nhắc đến sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã khiến kinh tế - xã hội 4 tỉnh miền Trung lao đao.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết: 9 tháng năm 2016 số người thất nghiệp đã tăng gần 40 nghìn người trong khi thời điểm này 2015 số người thất nghiệp chỉ tăng 25 ngàn người. “Như vậy sự cố ở Formosa ảnh hưởng đến lao động là chắc chắn”, bà Mai nhấn mạnh.

Đơn cử như với Hà Tĩnh, sự cố Formosa đã ảnh hưởng đến 22.780 hộ, làm hơn 24 nghìn người mất việc, còn Thừa Thiên Huế có hơn 30 nghìn người bị ảnh hưởng trực tiếp, Quảng Bình thất nghiệp tăng 1,1%. Quảng Trị ảnh hưởng nhẹ.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, sự cố Formosa chắc chắn ảnh hưởng tỷ lệ thất nghiệp, số lao động thiếu việc làm, bấp bênh ở một số tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, số người thất nghiệp ấy đã được giảm nhẹ phần nào nhờ “đưa đi xuất khẩu lao động” ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Chúng tôi đã có đánh giá tác động của sự cố Formosa đến các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Phần lớn các tỉnh đều bị giảm 20% sản lượng thủy sản.

Cụ thể, 9 tháng khai thác thủy sản Hà Tĩnh giảm 14,4%. Quảng Trị giảm 27,1%. Huế giảm 23-24%, Quảng Bình cũng bị giảm mạnh.

“Khai thác thủy sản 4 tỉnh này không lớn nhưng có ảnh hưởng đến đời sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ cũng như toàn nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sự cố trên, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố, hỗ trợ người dân kịp thời và đạt hiệu quả.

Đến nỗi lo hạn mặn

Sự cố Formosa không phải là nỗi lo duy nhất của nền kinh tế. Khai khoáng và nông nghiệp từng được ví là những “cứu cánh”, là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng đến nay hai trụ đỡ ấy đã phần nào đuối sức.

{keywords}
Khai thác thủy sản miền Trung ảnh hưởng nghiêm trọng từ thảm họa môi trường

Nông nghiệp đã phát triển đến giới hạn. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nông nghiệp đang trải qua thời kỳ khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí từng lâm cảnh tăng trưởng âm trong nửa đầu năm.

Cho dù tăng trưởng hiện đã nhích lên phần nào, nhưng khu vực nông lâm thủy sản vẫn là ngành đóng góp kém nhất vào tăng trưởng 9 tháng năm nay, chỉ 0,11 điểm phần trăm, so với mức 2,52% và 2,55% của khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Nhắc đến nền nông nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm không khỏi lo ngại. Xâm nhập mặn đã “ăn” vào vào vùng lõi đồng bằng Sông Cửu Long, ngay Đồng Tháp là trung tâm của vùng đồng bằng trù phú này cũng bị ảnh hưởng.

“Nó là hiện tượng dai dẳng trong nhiều năm tới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sông MeKong. Năm nay lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long hầu như không có, nên việc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khu vực nông nghiệp rất quan trọng”, ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý.

Vì thế, việc trồng cây gì, nuôi con gì thay cho những sản phẩm truyền thống ở đây cũng sẽ là bài toán cấp thiết đặt ra.

Còn khai khoáng, giá dầu thô giảm sâu đã khiến dầu mỏ bớt đi phần đóng góp vào tăng trưởng nói chung. Song dầu thô vẫn là nơi để tăng trưởng “cậy nhờ” trong lúc cấp bách, bất chấp việc giá giảm mạnh so với năm ngoái.

Mới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Việc có thêm 1 triệu tấn dầu sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD, tất nhiên tăng trưởng theo đó có thêm “cú hích”.

Năm 2016, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% và đến giờ vẫn kiên định không điều chỉnh mục tiêu.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia dự báo: Tăng trưởng 2016 sẽ đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhưng con số cuối cùng là bao nhiêu thì phụ thuộc vào khai thác dầu thô. Mỗi tháng chúng ta khai thác 1,3 triệu tấn. 3 tháng còn lại vẫn giữ khai thác thế thì vẫn đóng góp nhiều vào tăng trưởng cả năm.

Dẫu vậy, dầu thô sẽ vẫn chỉ là giải pháp tình thế như mọi năm có tăng trưởng thấp. Vấn đề căn cơ hơn vẫn phải là tìm ra mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế vốn đang có nhiều khiếm khuyết.

Lương Bằng