- Bằng một cú duy nhất, sự đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Sài Gòn vừa cứu tính mạng của nhiều người, vừa đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về một “thành phần thứ ba”.

Hiệp định bị vi phạm trắng trợn

Hà Nội áp đặt “5 lệnh cấm” lên toàn bộ các lực lượng quân sự từ miền Bắc cũng như các lực lượng PRG ở miền Nam. Họ bị cấm tấn công kẻ thù, cấm tấn công quân đội của kẻ thù đang tiến hành các chiến dịch cướp đất, cấm bao vây tiền đồn, cấm bắn vào các tiền đồn, và cấm xây dựng các làng chiến đấu. Ngoại trừ rất hiếm những trường hợp chống đối ở địa phương. Cách tiếp cận của Hà Nội được áp dụng trong gần một năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Ông Lê Đức Thọ sau đó đã thừa nhận rằng một số vấn đề sau khi ký hiệp định đã ảnh hưởng đến thái độ thận trọng của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Một trong số đó là việc cả Liên Xô và Trung Quốc đều cắt viện trợ quân sự cho Việt Nam, và Trung Quốc cũng cắt mọi viện trợ kinh tế.

{keywords}
Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu

Trên thực tế, cả Nixon và Kissinger đã thông báo với Thiệu trong chuyến thăm Mỹ của ông này tháng 4/1973 rằng Liên Xô và Trung Quốc sẽ kiềm chế miền Bắc bằng cách giảm viện trợ quân sự.

Ngay trước và sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ đã cung cấp cho chính phủ Thiệu nhiều vũ khí đến mức, như Trung Tướng Peter Olenchuck điều trần trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ ngày 8/5/1974, Quốc hội đã tăng 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Sài Gòn đã mua sắm nhiều đạn dược nhất có thể – trị giá 700 triệu USD. Điều này khiến kho dự trữ chỉ còn 300 triệu, vi phạm Hiệp định Paris, theo đó quy định các thiết bị có thể được thay thế trên cơ sở 1-1.

Bên cạnh viện trợ quân sự, Mỹ đã cử các kỹ sư quân sự dưới vỏ bọc dân sự đến hoạt động và duy trì cỗ máy chiến tranh công nghệ cao của chế độ RVN.

Gareth Porter nói sau khi nghiên cứu các nguồn chính thức của Mỹ: “Hàng nghìn kỹ sư quân sự này, nhiều trong số đó được quân đội tuyển dụng trực tiếp và ‘về hưu’ chính thức đã vào Việt Nam ngay sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng về nước. Các kỹ sư quân sự này có thể  tránh được các hạn chế mà Mỹ áp đặt trong điều 5 của Hiệp định Paris, nhưng việc tuyển dụng họ cũng khiến Mỹ can dự sâu vào quân đội Sài Gòn, vi phạm trắng trợn các vụ căn bản hơn quy định trong điều 4.

Trong một báo cáo ngày 11/6/1973, Tiểu ban Thượng viện Mỹ về các thỏa thuận và cam kết an ninh ở nước ngoài của Mỹ đã dẫn lời Văn phòng Tùy viên quốc phòng nói rằng trong giai đoạn hậu ngừng bắn, Sài Gòn hàng ngày “tiếp tục bắn pháo 105 ly (chỉ riêng ở các tỉnh miền Bắc), với tỷ lệ vượt quá 31.000 viên đạn, tương đương lượng đạn trung bình mỗi ngày Mỹ sản xuất ra”.

Theo Hiệp định Paris, không có kiểu “vùng tự do” nào ở miền Nam có thể bắn phá bừa bãi bất kỳ lúc nào. Thỏa thuận nêu rõ chỉ 2 vùng kiểm soát ở miền Nam Việt Nam: một là vùng do PRG kiểm soát và một là vùng do RVN kiểm soát. Tuy nhiên, vào giữa tháng 2/1974, James Markham, trưởng văn phòng của New York Times ở Sài gòn, đã đến thăm các vùng PRG và phát hiện một loạt vụ bắn pháo vào khu vực dân cư do ARVN thực hiện ở mọi nơi mà ông đến. Tại vùng quân sự II và III, nơi các chỉ huy miền Nam Việt Nam tấn công nhiều nhất, và một số quan chức Mỹ nói là một loạt vụ bắn ‘quấy rối và ngăn chặn” chống lại các vùng do quân đội miền Bắc kiểm soát vẫn diễn ra phổ biến, thì tỷ lệ này là 50:1”.

Bên cạnh việc bắn phá, khoảng 15.000 quả bom đã được sử dụng và 10.000 chiến dịch quân sự khác đã được tiến hành ở khu vực nông thôn hàng tháng. Một nghiên cứu thống kê của chính quyền tỉnh và lực lượng cách mạng tỉnh Long An cho thấy trong giai đoạn sau khi ký Hiệp định Paris, mọi ngôi làng nằm dưới sự kiểm soát của NLF đã bị đánh bom 4-5 lần và bị tấn công bởi 1.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Trong một phát biểu với Các lực lượng Tự vệ ngày 6-8/1973, kỷ niệm ngày ra đời lực lượng này, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh tất cả các lực lượng và cán bộ của mình “quyết tâm băm nhỏ mọi người Cộng sản xảo quyệt” vì “người Cộng sản đang đòi đàm phán, tự do dân chủ, tự do báo chí, và tự do ngôn luận để tuyên truyền tư tưởng Cộng sản trong hàng ngũ [của chính phủ] Việt Nam Cộng hòa”.

Ngoài các cuộc tấn công quân sự, chế độ Thiệu còn tiến hành “phong tỏa kinh tế”, nhằm gây ra tình trạng đói khổ tại các vùng do PRG kiểm soát. Nhưng chiến lược phá hoại Hiệp định Paris của Thiệu – Mỹ đã nhận hậu quả không mong đợi.

Theo các báo cáo của giới chức chính phủ và các thầy tu nhà thờ Cơ đốc giáo ở Sài Gòn, tới 60% dân số các tỉnh miền Trung đã buộc phải ăn vỏ cây, xương rồng, rễ chuối và củ dại. Trẻ em và người già là các nạn nhân đầu tiên, tại một số làng ở miền Trung Việt Nam, tỷ lệ chết đói lên tới 1-2% dân số mỗi tháng. Và ngay tại nơi từng là vựa lúa ở miền Nam, việc dự trữ gạo cũng đã trở nên phổ biến ở nhiều tỉnh.

Về kinh tế, các chính sách của ông Thiệu đã báo trước một cuộc suy thoái. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo của chính phủ RVN, 1,5 triệu người (khoảng 1/5 người ở độ tuổi lao động) không có việc làm. Trên khắp lãnh thổ của Thiệu, các công ty sa thải công nhân hàng loạt. Các chủ sở hữu thường ngược đãi và thóa mạ công nhân để buộc họ phải ra đi. Ngay cả các công ty nước ngoài, vốn được hưởng nhiều ưu đãi (như miễn mọi loại thuế thu nhập) cũng đã buộc phải cắt giảm 30% nhân viên.

Các cuộc biểu tình đòi việc làm và lương thực diễn ra hầu như hàng ngày. Tờ Điện Tín ngày 30/8/1974 đưa tin 1.000 thương binh và người dân làng Do Hoa thuộc tỉnh Thừa Thiên đã chặn đường phố bằng săm lốp, đòi chính phủ cung cấp lương thực và việc làm.

Ngày 19/9, 116 hiệp hội thương mại ở Sài Gòn và Chợ Lớn đã gặp để đòi lương thực và quần áo và chấm dứt tình trạng ngược đãi và sa thải vô cớ. Hai ngày sau, ngày 21/9, toàn bộ lực lượng lao động ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định đã biểu tình đòi lương thực, quần áo và đồ cứu tế tạm thời. Trong khi đó, một số lượng lớn công nhân ở Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam, cũng xuống đường biểu tình và sau đó tiến hành một cuộc đình công lớn. Một tháng trước khi chuyện này bùng nổ, ngày 6/8, ông Thiệu vẫn hô hào các lực lượng vũ trang thực hiện phong tỏa kinh tế để đánh bại “các phần tử Cộng sản” bằng cách bỏ đói họ.

Nixon mặc kệ Thiệu, mở cơ hội cho Hà Nội đáp trả

Những thống khổ và chết chóc mà các cuộc tấn công quân sự cũng như chính sách phong tỏa kinh tế của ông Thiệu, và các chiến thuật cảnh sát – nhà nước tại các vùng thành thị của ông gây ra không chỉ làm gia tăng lòng căm thù của người dân nói chung đối với chế độ của ông mà còn buộc PRG phải đáp trả, một cách hạn chế. 

{keywords}
Thay vì tiến hành sự chống cự cuối cùng hoặc làm theo sức ép của Đại sứ Pháp Jean-Marie Merillion và đưa ra đề xuất vào phút chót với PRG để thành lập một chính phủ liên minh, ông Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu.

Tờ Manchester Guardian viết: “Trong năm đầu tiên thực hiện ngừng bắn, người Cộng sản đã theo đuổi một chính sách tương đối kiềm chế và cố thông qua các biện pháp ngoại giao để thuyết phục Sài Gòn chấp nhận các đề xuất chính trị trong Hiệp định Paris. Các đại diện của Chính phủ Mỹ và các cuộc gặp với Kissinger chẳng dẫn đến đâu, dường như họ đã quyết định, vào lúc nào đó Mùa Xuân này, sẽ tiến hành một cuộc tấn công giới hạn, mà họ thông báo trên đài phát thanh và ở đâu đó một cách công khai”. Mùa Hè năm 1974, sự đáp trả của PRG đã buộc các lực lượng của ông Thiệu phải “rút lui chiến thuật”.

Nhưng thay vì rút ra bài học từ kinh nghiệm trên và đáp ứng các đề nghị của PRG, cũng như đề nghị của toàn dân cả nước, trở lại Hiệp đinh Hòa bình Paris, cả chế độ Thiệu và chính quyền Tổng thống Mỹ Gerald Ford vẫn cố thử các mưu mẹo để giành thêm viện trợ từ Quốc hội nhằm củng cố tình hình vốn không còn nhiều hy vọng. Mặt khác, chính quyền Ford phác thảo kế hoạch thay thế ông Thiệu bằng một liên minh cánh hữu có khả năng giành được nhiều viện trợ hơn từ Quốc hội và duy trì quyền kiểm soát đất nước.

Ngày 19/11/1974, Đại tá Võ Đông Giang, người phát ngôn PRG tại quân ủy lưỡng đảng tại Sài Gòn, đã tổ chức một cuộc họp báo trong đó chỉ trích Cha Thanh và chiến dịch của ông là theo đuổi chính sách của Mỹ và từ chối hướng tới hòa bình mà Hiệp định Paris và người dân Việt Nam kêu gọi. Ông Võ cảnh báo Mỹ rằng nếu họ không quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và từ chối thỏa thuận, người Việt Nam sẽ nổi dậy.

Đáp lại các lực lượng PRG gia tăng các cuộc phản công chống lại quan điểm quân sự hiếu chiến của ông Thiệu, và đầu tháng 1/1975, 8 huyện và một tỉnh (Phước Long) đã trở về dưới sự kiểm soát của PRG. Đây rõ ràng là một ý định chứng tỏ cho Mỹ và chế độ Thiệu thấy rằng nếu PRG buộc phải đối đầu quân sự, các lực lượng Sài Gòn sẽ không thể chống trả. Các sự kiện diễn ra sau đó đã chứng tỏ điều này là đúng.

Nhưng Mỹ và Sài Gòn vẫn không chịu rút ra bài học từ toàn bộ chuyện này.

Ngay khi PRG bắt đầu giảm sức ép quân sự (khoảng 2 tuần đầu tháng 1/1975) chờ một sự phản ứng hợp lý, chính phủ RVN và lực lượng Cơ đốc giáo cánh hữu chống Thiệu nói công khai rằng PRG đã may mắn giành được một số quận và thị xã bị cô lập, nhưng sẽ không thể tiến thêm được nữa.

Giữa tháng 1/1975, các nhân viên CIA đã đến Đồi Capitol để báo cáo với Thượng viện về chính sách “trung tâm”. Họ vẫn nói rằng ARVN có nhuệ khí cao, được huấn luyện tốt, và được trang bị đầy đủ nhưng gây căng thẳng thái quá. Nhà Trắng và các cơ quan khác của chính phủ đã gợi ý rằng một phái đoàn tìm kiếm sự thật của Quốc hội đến thăm Sài Gòn. Họ thuyết phục khéo tới mức Nghị sĩ Peter McCloskey, người từng chỉ trích chiến tranh, nói là sẽ khuyến cáo tiếp tục viện trợ cho Sài Gòn thêm 3 năm nữa.

Và thay vì trở lại Hiệp định Paris, Mỹ đã quyết định dùng giải pháp quân sự.

Ngày 26/3, Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, Tướng Frederic C.Weyland, đã được cử tới Sài Gòn để đánh giá tình hình, cũng như giúp Sài Gòn lập một điểm tựa phòng thủ cách thành phố 55 dặm về phía Bắc. Các mánh khóe ngoại giao và chính trị đã được sử dụng, trong đó có việc thuyết phục Trung Quốc và Liên Xô gây sức ép với DRV và tìm cách thay ông Thiệu.

Ngày 21/4/1975, ông Thiệu đã buộc phải từ chức và bị thay bởi Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Đến lượt mình, ông Hương đề cử cựu Tướng Dương Văn Minh, người đứng đầu một liên minh các nhóm Lực lượng thứ ba, lên 2 viện của Quốc hội Sài Gòn bổ nhiệm làm Tổng thống mới. Thay vì làm điều đó đúng như ý định, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ đã dành cả một tuần liền tranh cãi về việc giao vị trí nào cho ai trong chính phủ mới và mãi đến ngày 27/4 mới chấp nhận đề xuất của ông Hương.

Ngày 28/4, khi 14 sư đoàn của Quân đội nhân dân tiến vào Sài gòn, ông Dương Văn Minh cuối cùng đã được ủng hộ làm tân Tổng thống RVN. Thay vì tiến hành sự chống cự cuối cùng hoặc làm theo sức ép của Đại sứ Pháp Jean-Marie Merillion và đưa ra đề xuất vào phút chót với PRG để thành lập một chính phủ liên minh, ông Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Khi ngồi chờ các nghị sĩ của phe cách mạng chấp nhận sự đầu hàng của mình, ông Minh nói với phóng viên hãng thông tấn AFP của Pháp rằng “tính mạng con người, tính mạng người Việt Nam, tính mạng người Pháp phải được bảo vệ. Hãy nói với Đại sứ Pháp rằng anh đã gặp tôi ở đây”.

Bằng một cú duy nhất, sự đầu hàng vô điều kiện vừa cứu tính mạng của nhiều người, vừa đặt dấu chấm hết cho ý tưởng về một “thành phần thứ ba”. Với một chiến thắng quân sự, không bao giờ cần một “thành phần thứ ba” để hòa giải các lực lượng trong một “chính phủ liên minh đồng thuận dân tộc”.

Ngày 2/5/1975, chính phủ mới đã ra lệnh giải tán mọi tổ chức chính trị tồn tại dưới chế độ cũ. Mọi tổ chức khác có thể được coi là tổ chức xã hội dân sự, như Phong trào Phụ nữ vì quyền đòi quyền sống, cũng bị giải tán vì, như người đồng sáng lập nhóm này, bà Ngô Bá Thành giải thích, không cần một tổ chức như vậy sau chiến tranh.

Ngô Vĩnh Long

Xem lại Kỳ 1Kỳ 2

--------------------

Chú thích: 

RVN = Republic of Vietnam = Chính quyền Saigon.

PRG = Provisional Revolutionary Government (of South Vietnam) = Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam.

DRV = Democratic Republic of Vietnam = Việt Nam dân chủ cộng hoà.