Phiên toà xét xử cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam đã bước vào giai đoạn nghị án, trước đó là những lời ăn năn, xin lỗi khi các bị cáo lần lượt nói lời sau cùng.
Từng có không ít vụ án trước đó, nhiều bị cáo cho đến phút cuối vẫn không nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Không những vậy, họ còn đổ cho cơ chế, thậm chí biện hộ cho hành vi của mình là đúng, buộc tội không có cơ sở, không khách quan…
Cả những vụ đã xét xử, đến trước giờ tuyên án, có cựu quan chức còn phủ nhận không ưu ái cho công ty gia đình mình, hoặc không phải là công ty gia đình dù thực chất là như thế.
Và ở một số vụ án, rất ngạc nhiên khi thấy những cựu lãnh đạo nêu lý do không nhận thức được sai phạm, không hiểu hết pháp luật.
Với vụ án được gọi là thâu tóm “đất vàng”, bị cáo Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói rằng bản thân không nghĩ việc làm của mình lại dẫn đến vi phạm pháp luật. Bị cáo này cũng thừa nhận do nhận thức pháp luật không đầy đủ, tin vào các cơ quan tham mưu, và yếu tố khách quan nên bị cáo không nhận biết được việc làm của mình là sai.
Lý do cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nêu ra là như vậy, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, một lãnh đạo đứng đầu chính quyền một tỉnh, vận hành cả bộ máy, đề ra các quy định, phương hướng phát triển của một địa phương với hàng triệu dân thì lý do không nhận biết được việc làm của mình là sai, liệu có đúng?.
Ngược lại, có những bị cáo quá rành về pháp luật, thậm chí là hiểu luật sâu đến mức có thể nhìn ra những kẽ hở của pháp luật để lợi dụng. Thực tế, trong nhiều vụ chuyển nhượng đất, họ biết rất rõ những lỗ hổng và thực hiện các bước đi bài bản để hợp thức theo tính toán của mình.
Như trong vụ án thâu tóm “đất vàng” liên quan đến cựu Bí thư Bình Dương, trong bào chữa, đã nêu ra lập luận, khi các bị cáo đề xuất, ban hành văn bản hướng dẫn áp đơn giá năm 2006 để thu tiền sử dụng đất, số tiền thất thu 761 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước nhưng nó lại được chuyển sang cho Tổng Công ty SX- XNK Bình Dương là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Như vậy, tiền vẫn thuộc về Nhà nước và không có thiệt hại xảy ra.
Tuy nhiên, trong đối đáp với lập luận trên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định rõ, ngân sách Nhà nước khác với tài sản của một doanh nghiệp Nhà nước.
Sự khác nhau căn bản giữa ngân sách Nhà nước với tài sản của doanh nghiệp Nhà nước ở chỗ, ngân sách Nhà nước được sử dụng cho quốc kế dân sinh, vì lợi ích chung của Nhà nước và xã hội.
Còn tài sản của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp ấy sử dụng trong sản xuất, kinh doanh vì lợi ích trước hết và trên hết của chính doanh nghiệp.
Tuy thế, trong vụ án này, cũng dễ nhận thấy sự khác biệt, đó là các bị cáo đến phút cuối đều nhận thức được sai lầm của mình, đều xin lỗi Đảng và nhân dân.
Được nói lời sau cùng, cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bộc bạch: “Chỉ vài ngày nữa là bị cáo bước sang tuổi 60, không nghĩ cuộc đời mình lại vướng vào vòng lao lý như này. Bị cáo rất ân hận, bị cáo xin lỗi Tổng Bí thư, Đảng bộ, nhân dân Bình Dương”.
Bị cáo Trần Văn Nam mong HĐXX xem xét đặc biệt với những bị cáo là cán bộ tỉnh, tuổi cao; mong HĐXX xem xét cho các bị cáo mức hình phạt vừa có tính cảnh báo, răn đe nhưng cũng không làm nhụt chí nhân tố mong muốn phát triển.
Còn bị cáo bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) nói đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến, nhưng cuối đời lại để vướng mắc, khiến bị cáo rất ân hận. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước,Tổng Bí thư, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Dương, xin lỗi cán bộ, nhân viên Tổng công ty, vì bị cáo mà vướng vào vụ án.
“Tôi già yếu, bệnh tật, tôi không xin gì cho bản thân, chỉ mong xem xét cho các bị cáo khác được coi là đồng phạm với tôi. Xin HĐXX giảm án cho các bị cáo từng là cấp trên của tôi”, bị cáo Nguyễn Văn Minh xin tòa.
Đó là sự ăn năn dù muộn màng. Nhưng ở khía cạnh nhân văn, ai cũng thấy rõ dù sao qua những lời xin lỗi, ân hận của các bị cáo, phần nào thấy được nhận thức về sự lầm đường lạc lối. Hơn thế, sự ăn năn đó ít nhiều cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang làm sai biết dừng, biết sửa chữa, để không đi vào vết xe đổ, để không có ngày đứng trước vành móng ngựa nói lời sau cùng.
Nguyễn Đăng Tấn