Những ngày gần đây, một số tờ báo rộ lên chuyện phim nhà nước, khi ra rạp, "không bán được vé nào’’. Từ đó, nhiều ý kiến đồng thanh phê phán, chê bai phim nhà nước như một dòng phim tồn tại nhiều yếu kém. Sự thực câu chuyện này thế nào?


Về bộ phim Sống cùng lịch sử, ngay từ khi chưa bấm máy, nhiều tờ báo đã kêu ca về số tiền 21 tỷ là lãng phí. Thế nào là lãng phí? Đoàn phim đã phải thuê đào hàng trăm mét hào, thuê hàng trăm người đóng dân công tải lương trên những con đường đèo dốc đầy mưa với những quả nổ từ thuốc TNT đầy nguy hiểm. Những chi phí bình thường như mua bảo hiểm cho từng người cũng phải tính đến. Rồi hàng trăm bộ đội, luyện tập bao nhiêu ngày, quần áo bê bết bùn đất…Chỉ riêng đoàn phim đã có gần 100 người, với ngần ấy diễn viên quần chúng nữa, thì một ngày, số tiền ăn ở đã là bao nhiêu? Trong khi đó, bao cái ‘’trăm thứ bà rằn ‘’ khác phải cần đến tiền. Nào xe đạp đến xe tăng, từ xe tải chở người đi làm phim đến máy bay Dacota từ thời Pháp…có phải tất cả mọi thứ đều  có ngay ở Điện Biên được đâu.

{keywords} 

Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử

Đây không phải là lần đầu tiên phim này ra rạp, Vào dịp 30/4 và 7/5 vừa qua, phim Sống cùng lịch sử đã chiếu suốt một tuần ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, mỗi ngày nhiều buổi và buổi nào cũng không còn một chỗ trống. Nhiều bạn trẻ đã phải ra về vì người gác cửa nói không còn chỗ. Trên facebook, nhiều bạn trẻ , sau khi xem, đã lên tiếng rằng, cần phải phổ biến bộ phim này đến giới trẻ nhiều hơn nữa để lớp trẻ tự hào về cha ông mình. Và khi chiếu cho đồng bào Thái, H’Mông, Dao, Tày, Nùng…ở các tỉnh phía Bắc, ai cũng xúc động. Tôi đã thấy một cô gái y tá người Thái, sau buổi chiếu, không muốn về. Cô nói: "Cháu đã khóc từ đầu đến cuối phim’’. Khi chiếu cho Lữ đoàn bộ binh 82 ở Điện Biên, 1300 cán bộ và chiến sỹ như đều được cảm nhận lịch sử cha ông đang hiển hiện quanh họ. Khi chiếu cho sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, một sinh viên người Dao đã đứng lên phát biểu: "Trước đây em toàn xem phim Mỹ và phim Hàn, phim này (Sống cùng lịch sử) đã làm thay đổi cái nhìn của em về phim Việt Nam’’.

Và khi Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức chiếu phim này, có một số văn nghệ sỹ đi xem. Cuối phim, khi đèn bật sáng, tôi thấy nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vẫn còn ngồi lại với gương mặt đầy xúc động và đôi mắt đỏ hoe. Tôi nói đùa: "Một nghệ sỹ lấy được nước mắt khán giả không tài hơn một củ hành’’. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nói giọng trầm tĩnh: "Thật sự xúc động. Lấy được nước mắt người xem đâu phải chuyện đùa’’. Còn nhiều ví dụ khác nữa để nói một điều, rằng phim Sống cùng lịch sử thật sự là một bộ phim có giá trị trong mắt những người được trực tiếp xem phim. Nhà nước đã in hàng trăm bản phim này để đưa về các đội chiếu bóng lưu động ở các địa phương để chiếu phục vụ khán giả nông thôn. Các đơn vị bộ đội cũng được cơ quan phát hành phim Quân đội mang phim này đến chiếu theo lịch sinh hoạt thường kỳ.

{keywords} 

Song một vấn đề đặt ra là, tại sao khi phim ra rạp lại không bán được vé? Thứ nhất, do nhiệm vụ của các Hãng phim nhà nước là làm phim tuyên truyền nên các Hãng phim vẫn ‘’tuyên truyền’’ theo cách cũ, như đã nói ở trên. Thứ hai, khi ra rạp, họ lại không có kinh phí để làm quảng cáo, tiếp thị. Thứ ba, các nhà báo thấy phim không bán được vé bèn hô lên ‘’phim nhà nước không ai xem’’.  Ở đây có nhầm lẫn giữa phim tuyên truyền và phim thương mại. Hoặc chưa có sự phân biệt khán giả là có những lớp khán giả nào. Một số thanh niên tuổi teen mua vé xem những phim copy như Tèo em hay Cưới ngay kẻo lỡ là chưa phải là những "khán giả đích thực của điện ảnh Việt Nam".

Thực ra, phim nhà nước chưa đặt yêu cầu "thương mại’’ lên hàng đầu mà làm nhiệm vụ tuyên truyền là chính. Không nên bắt phim nhà nước phải làm tốt cả hai nhiệm vụ là vừa tuyên truyền vừa thương mại. Nhưng qua đây, thiết nghĩ, các Hãng phim nhà nước cũng cần nhìn lại những mặt hạn chế của mình để từng bước vận động, đổi mới. Không thể sống trong thời nay mà việc phát hành phim ra thị trường  phó mặc ‘’không cho ai’’ và không ai chịu trách nhiệm.

Trong một đất nước thường có nhiều dòng phim cùng tồn tại và có nhiều lớp khán giả cùng chung sống bên nhau. Mỗi loại phim thường có mục đích phục vụ một lớp khán giả chủ yếu của mình. Đó là điều đơn giản nhưng không phải ai cũng bình tâm nhận ra được.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn (biên kịch bộ phim Sống cùng lịch sử)