Cùng với tiến trình đổi mới của nền kinh tế đất nước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và bắt kịp trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Một trong giải pháp tạo nên những thành tựu nổi bật đó là tiến hành cải cách thông qua việc từng bước hiện đại hóa các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đem lại “lợi ích kép” cho cả người dân và các ngân hàng thương mại. 

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN xếp thứ nhất về chỉ số xếp hạng an toàn thông tin mạng, thứ hai về chỉ số thể chế số, thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số,  song theo các chuyên gia, quá trình này cũng đang mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay, ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý. Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, trong khi chuyển đổi số mạnh nhất là trong giai đoạn Covid-19, tức là các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. “Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước, thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử”, ông Hùng cho hay.

Trước xu hướng chung của thế giới, NHNN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Nhờ đó, trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số.

Vấn đề còn vướng hiện nay là cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không thể sửa đổi được, nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số ý kiến bàn rằng, dự thảo Luật cần được thảo luận thêm một số nội dung cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay như: Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; quy định về Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tự lựa chọn loại chữ ký điện tử phù hợp với nhu cầu về tính khả dụng và độ an toàn; quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài còn chưa phù hợp thực tiễn; việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử trong các vụ việc tại Tòa án; hay việc quy định chỉ được sử dụng chữ ký số đối với các giao dịch nhằm mục đích kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bằng phương thức điện tử của các TCTD…

Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet, viễn thông còn chung chung; quy định về nghĩa vụ của chủ thể cung cấp dịch vụ phải công khai các thuật toán có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử; những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ, có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm…

Nguyễn Hằng, Anh Dũng, Thanh Bình