Khung giá còn bất hợp lý
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, việc tính giá điện theo 6 bậc thang như hiện nay là do Bộ Công Thương xây dựng. Nếu biểu giá này chưa đúng thì Bộ Công Thương phải sửa chứ không phải là lỗi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như một số ý kiến.
"Chính phủ chỉ quy định giá bán lẻ điện bình quân, còn Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng biểu giá làm sao để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm", ông Ngô Trí Long nói.
Bảng so sánh giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau khi điều chỉnh. Nguồn: EVN |
Giải thích việc tại sao khung giá điện tính theo bậc thang, càng dùng nhiều càng phải trả giá cao, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết: Thứ nhất là yếu tố an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo sử dụng ít điện được hưởng giá thấp. Thứ hai là do nguồn điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phải kiềm chế cầu lại. Điện được sản xuất chủ yếu từ các nguyên liệu hóa thạch, hữu hạn, dùng nhiều sẽ hết. Hơn nữa việc sản xuất điện lại sản sinh ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, do đó cần kiểm soát.
Theo chuyên gia, việc tính tiền điện theo bậc thang là hợp lý, đúng thông lệ quốc tế, quan trọng là các bậc thang có mức giá khác nhau sao cho tổng doanh thu chia cho sản lượng điện phải bằng giá bán điện bình quân đã được Chính phủ quy định (hiện là khoảng 1.864 đồng/kWh). Song, thực tế không như vậy.
Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích cụ thể: Hiện chỉ có bậc 1 và bậc 2 là thấp hơn giá bán điện bình quân (bậc 1 thấp hơn khoảng 10%, bậc 2 thấp hơn khoảng 7%), còn lại kể từ bậc 3 - 5 là cao hơn và cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Riêng bậc 6 bằng 157% giá điện bình quân. Với cách tính như vậy sẽ có lợi cho doanh nghiệp.
Ông Long dẫn chứng: "1 người bán 6 cái kính, nếu bán mỗi cái giá 1 đồng thu được tổng cộng 6 đồng là đã có lãi rồi. Nhưng người đó không làm vậy, họ bán cái 8 hào, cái 9 hào nhưng có cái trên 1 đồng. Tổng cộng tiền thu được chia bình quân ra sẽ cao hơn 1 đồng/cái kính".
Đồng tình với TS Ngô Trí Long, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, khoảng cách giữa các bậc thang hiện nay bất hợp lí, nhiều bậc quá sát nhau.
Chẳng hạn bậc 1 với bậc 2 hiện nay chỉ cách nhau có 50 số điện là quá ít, trong khi các bậc sau lại tăng vọt lên.
"Cách tính bậc thang như hiện nay đang đánh vào túi tiền người tiêu dùng bởi hầu như chẳng còn ai dùng dưới 50 số điện. Tại thành phố, ít nhất các gia đình cũng phải tiêu thụ 200 - 300 số điện bởi nhà nào cũng có điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... Ngoài 400 - 500 số mới nên coi là mức tiêu thụ cao", TS Nguyễn Văn Nam nhận định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá phân tích kĩ hơn: Tỷ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân chưa phù hợp dẫn đến có những thời gian, chẳng hạn tháng 3/2019 điều chỉnh giá điện, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đã làm cho người tiêu dùng phải trả thêm nhiều tiền hơn. Tiền điện phải thanh toán tăng nhanh và cao hơn tốc độ tăng của lượng điện tiêu thụ.
"Đây là nguyên nhân chính gây ra bức xúc trong xã hội về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua. Số lượng điện tiêu thụ nhiều hơn thường bị “nhẩy vào” bậc 3 có giá cao hơn bậc 2: 16,5% và bậc 4 có giá cao hơn bậc 3: 25,91%. Vì vậy, nhiều hộ giá bình quân phải chịu mức 2.000 hoặc hơn 2.000 đồng/kWh chứ không phải 1.864 đồng/kWh như mức giá điều chỉnh vừa qua", ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.
Nên sửa thế nào?
"Sự bất hợp lý là rõ ràng rồi, nhưng sửa các bậc thang như thế nào thì các cơ quan quản lý phải họp bàn với nhau như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tính toán chi tiết, cụ thể để đưa ra số bậc thang và mức giá với mỗi bậc thang", TS Ngô Trí Long đề nghị.
Giá điện tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Ảnh minh họa: Diệp Trương/TTXVN |
Hiện nay, Philippines đang áp dụng 8 bậc thang tính giá điện, Hàn Quốc và Nhật Bản 3 bậc thang, Malaysia 7 bậc thang, Singapore 1 bậc. Không có quy chuẩn nào mà tùy theo tình hình mỗi nước. Các nước giàu, thu nhập người dân cao thì thường ít bậc thang hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam đề nghị giảm bớt số bậc thang còn 4 bậc. Có thể gộp 2 bậc đầu lại làm 1. Bậc 1 nên bắt đầu từ 0 - 100 kWh. 3 bậc sau nên gộp lại làm 2, mỗi bước nhảy là 150 số điện. Bậc 4 là trên 400 kWh.
Ông Nam cũng đề nghị phải có một cơ quan độc lập thẩm định, giám sát giá điện, có thể là Bộ Tài chính, thay vì để Bộ Công Thương giám sát EVN, không khác "vừa đá bóng, vừa thổi còi" sẽ khó minh bạch.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, trong điều kiện cung – cầu điện của nước ta hiện nay, vẫn cần có biểu giá điện theo bậc thang. Nhưng biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi theo phương án đa số người tiêu dùng có thể chấp nhận. Theo ông Thỏa, nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 - 4 bậc (tốt nhất là 3 bậc).
"Cần bố trí giá lũy tiến nhưng tính theo tỷ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân. Bậc 1 cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao nhưng cũng bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định. Vì vậy, bậc 1 nên là 100 kWh đầu tiên thay cho 50 kWh như hiện nay. Bậc 2 là bậc thiết kế phục vụ số đông có mức tiêu dùng điện ở mức trung bình, phổ biến của xã hội. Bậc 3 là bậc phải thể hiện được chính sách điều tiết đối với các hộ tiêu dùng điện nhiều để phục vụ chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả", ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích,
Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng đề nghị để bảo đảm tính minh bạch, dễ kiểm soát, ngành điện phải quy định, giải trình cách tính lượng tiêu thụ trong từng bậc (theo định mức hay tính theo cách sử dụng hết bậc này rồi mới tính tiền sang bậc khác…), qua đó giúp người tiêu dùng tự kiểm soát được, xóa bỏ cách tính “rối rắm” hiện tại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kí quyết định kiểm tra việc tăng giá điện. Trong 3 ngày từ 8/5 đến 10/5. Ba đoàn công tác của Bộ sẽ kiểm tra các tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thành phần được mời tham gia đoàn gồm đại diện Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Chiều 8/5, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung.
(Theo Báo Tin tức)