Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện đã được hơn 10 năm, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thông tin vô tuyến, nhất là thông tin di động. 

Tần số là tài sản quốc gia 

Cụ thể, Việt Nam có 65 triệu người dùng điện thoại di động thông minh. Điện thoại di động thông minh kết nối internet đã trở thành điều kiện đầu tiên của kinh tế số.

Thông tin di động 11 năm qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo ra doanh thu 1,2 triệu tỷ đồng, khoảng 52 tỷ đô la Mỹ. Đóng góp vào ngân sách nhà nước 400.000 tỷ đồng, khoảng 17 tỷ đô la Mỹ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 

Công ty di động ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, nếu 2G, 3G, 4G chỉ là hạ tầng gọi thoại, nhắn tin thì 5G là hạ tầng của nền kinh tế số và phát triển 5G đang là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia. 

Theo Bộ trưởng, vấn đề lớn nhất của tần số là khan hiếm tần số kinh doanh. Trong số 6.000 MHz tần số có thể sử dụng thì chỉ có 15% là kinh doanh được; 80% tần số còn lại chỉ dùng được cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng, an ninh. 

“Tần số kinh doanh khan hiếm đến mức có nước bán một băng tần 3G cho một nhà mạng đến hàng chục tỷ USD như ở Đức. Vì sự khan hiếm tần số kinh doanh nên vấn đề phân bổ công bằng cho các nhà mạng được đặt ra trong luật 2009 qua hình thức đấu giá, nhưng do các quy định chưa rõ ràng nên hơn 10 năm nay chưa đấu giá được tần số nào”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng vì vậy đã 12 năm, Việt Nam vẫn chưa cấp được tần số 4G mới cho các nhà mạng, vẫn phải lấy từ 2G, 3G ra làm 4G, công nghệ 5G cũng đã 2 năm nhưng vẫn chưa cấp được tần số. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, sửa đổi Luật Tần số lần này chủ yếu để làm rõ cách thức phân bổ tần số cho các nhà mạng, cách thức chuyển nhượng tần số, cách thức xử lý tần số khi hết hạn giấy phép, cách thức thu hồi tần số nếu nhà mạng không triển khai.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến tài sản quốc gia đặc biệt có ý nghĩa và ngày càng có giá trị trong bối cảnh phát triển xã hội số, kinh tế số cũng như hội nhập. Do đó cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là những quan điểm, tư tưởng, vấn đề lớn cần được đặt ra phù hợp.

Liên quan đến quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định cần khắc phục được việc doanh nghiệp có năng lực không được phân bổ hoặc phân bổ ít trong khi không có năng lực lại sở hữu, thậm chí sở hữu nhiều. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên chăng tính toán tỉ lệ xác định trên quy mô doanh nghiệp như: năng lực, vốn đầu tư, hạ tầng cơ sở CNTT và truyền thông, mức độ công nghệ đang sở hữu, rồi năng lực theo tiêu chuẩn ISO trong lĩnh vực này. Qua đó đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng, khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự luật cần cụ thể hoá các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ cho minh bạch để tránh thêm các văn bản dưới luật.

Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc 10 năm qua chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp. Ông yêu cầu, việc sửa đổi phải cụ thể, rành mạch các trường hợp cấp phép để luật ra là thực hiện được ngay và làm rõ việc đấu giá thực hiện theo luật này hay Luật Đấu giá tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá, tạo thêm nguồn cho ngân sách nhà nước. Việc đấu giá còn tạo cạnh tranh lành mạnh. Theo đó, trình tự thủ tục đấu giá phải theo Luật đấu giá tài sản, còn các điều kiện thì theo luật chuyên ngành. Nếu cần có trình tự thủ tục riêng đặc thù thì cần sửa luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương 

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vấn đề đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải nghiên cứu thật kỹ, bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, tránh bị lạm dụng lợi ích nhóm, bảo đảm an ninh kinh tế và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh. Đồng thời cũng bảo đảm công bằng trong cạnh tranh và sự phát triển lành mạnh từ thị trường kinh doanh thông tin di động. Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan. 

“Băng tần nó có hạn, vì vậy tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá cũng phải quy định tường minh, ngoài chuyện ta dự phòng cho nhiệm vụ A, nhiệm vụ B”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động của chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết như đề xuất của Bộ Công an. 

Sửa luật để tiến tới đấu giá tần số 

Giải trình thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, tần số là tài sản vô cùng quý hiếm, có giá trị rất cao, theo quy định phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa thực hiện đấu giá tần số vì có vướng mắc, nhất là Luật Đấu giá tài sản điều chỉnh các phương pháp xác định giá không phù hợp với tần số. 

Luật Quản lý sử dụng tài sản công vào năm 2017 đã tạo căn cứ và Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép... Cùng với việc trình sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện thì việc đấu giá tần số sắp tới có thể triển khai được.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Đức Long 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay lượng tần số mang ra kinh doanh khoảng 15% và sắp tới cũng không tăng được nữa. Còn 85% là dành cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng và an ninh. Trong khi thực tế hiện nay quốc phòng và công an mới dùng có 4%, còn 81% là chưa dùng. 

Ngoài ra, trong luật quy định rất rõ là khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả các tần số kinh doanh, kể cả các tần số đã đấu giá, đã bán, đã thu tiền quay về phục vụ quốc phòng, an ninh vô điều kiện. 

Vì vậy với tỉ lệ 15% mà mang ra kinh doanh, nếu có đấu giá thì theo quy định cũng chỉ có những doanh nghiệp pháp nhân Việt Nam và sở hữu Việt Nam trên 50%, nước ngoài cao lắm là 49% mới được tham gia đấu giá. 

“Có nghĩa là tần số cung cấp về các doanh nghiệp Việt Nam rất hữu hạn và càng ngày càng hữu hạn, trong khi đó nhu cầu kinh tế - xã hội thì càng ngày càng lớn, nhất là kinh tế số. Cho nên cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc cơ bản các mạng chuyên dùng nên dùng ở vùng 85%, bây giờ còn 81% chưa dùng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để nghiên cứu, chỉnh sửa theo tinh thần luật được thông qua, đi vào cuộc sống, tránh luật 13 năm chưa đấu giá được tần số nào, làm chậm sự phát triển của đất nước.

“Tôi với tư cách là Bộ trưởng được hơn 3 năm, rất đau đáu việc di động quan trọng như thế, còn nhiều tần số chưa cấp được, nhà mạng không có tần số để kinh doanh. 12 năm công nghệ 4G mà chưa cấp được một tần số 4G mới. Đây là sự đau lòng lớn nhất của ngành thông tin và truyền thông”, tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao về nhóm chính sách về chứng chỉ vô tuyến điện. Theo sửa đổi như trong dự luật, cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên. Tức là cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp làm việc này. 

“Các đồng chí chủ trì nhưng từ bỏ lợi ích, quyền của mình. Cái này rất phù hợp với xu hướng cải cách, chúng ta chỉ quản lý nhà nước nhưng cũng cần làm rõ nội hàm quản lý nhà nước về việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên là quản lý cái gì”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thu Hằng

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông

Mục tiêu của Luật Tần số vô tuyến điện là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng XHCN , tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số.