Một trong những giáo sư truyền cảm hứng nhất mình từng theo học là cô Ingrid Byerly - một giáo sư âm nhạc và nhân học của Đại học Duke (Mỹ). Khi ở vị trí của cô, giảng dạy ở một trường đại học hàng đầu với một danh sách các giải thưởng danh giá, được ghi nhận là một chuyên gia quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu của mình, điều làm cô khác biệt với các giáo sư xuất sắc khác mình từng tiếp xúc không phải là trình độ chuyên môn, mà chính là sự khiêm tốn đi kèm với trí tò mò của một đứa trẻ 10 tuổi.
Một trong những câu nói cửa miệng của Ingrid là “Cô không biết. Con giải thích cho cô được không nào?”.
Hiếm khi nào mình nghe những câu nói như này từ giáo viên, đặc biệt là giáo sư. Có lẽ nó đến từ quan niệm truyền thống về giáo dục: Giáo viên nhìn nhận vai trò của mình là một chuyên gia trong lớp, và vì vậy, phải biết câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Hệ quả kéo theo là học sinh nghĩ giáo viên biết câu trả lời cho tất cả các câu hỏi và cho rằng đây là mục tiêu của việc làm chủ kiến thức.
Theo mình, điều này trực tiếp tạo ra một môi trường mà người học sợ thừa nhận mình không biết, và điều này là rất nguy hiểm khi chúng ta đang chuẩn bị cho học sinh bước vào một thế giới biển đổi liên tục, nơi cả những chuyên gia hàng đầu cũng có thể sai.
Cái giỏi của cô Ingrid không đến từ chuyên môn, cái giỏi của cô là dám trở thành người đầu tiên thừa nhận còn nhiều điều mình không biết. Cô luôn coi mình là một người sẵn sàng học hỏi từ bất kỳ ai.
Và tinh thần này được truyền sang cả học sinh của cô. Tất cả bọn mình luôn sẵn sàng thừa nhận nếu không hiểu rõ một khái niệm và hỏi những câu hỏi ngu ngơ. Lớp học của cô là nơi lý tưởng nhất để nói không biết và cùng nhau tìm hiểu.
Chẳng phải tất cả các lớp học đều nên là một môi trường như vậy sao? Một môi trường mà học sinh cảm thấy an toàn khi không biết, nhưng được hối thúc để chủ động đào sâu vào những điểm mù này.
Bài học cô Ingrid dạy mình, mà chắc tất cả chúng ta đều học được là: Bạn không cần phải biết câu trả lời cho mọi câu hỏi.
Nguyễn Quang Tùng (Sinh viên Trường ĐH Macalester College) và cô Ingrid
Chúng ta đang sống ở thế giới “phẳng” nhất trong lịch sử loài người. Với sự phát triển của mạng xã hội, bạn có thể nhìn thấy tất cả những chức vụ, giải thưởng mà những người xung quanh hoặc không liên quan gì đến bạn trưng bày: “Chuyên gia”, 10x giành 1001 học bổng lên báo, lên TV...
Mình nghe ai đó từng trêu là “Hà Nội cứ 1 mét vuông là có 10 ông chuyên gia”. Họ đi diễn đàn, livestream “chém gió”, bán khóa học đổi đời. Họ trông bóng lộn trong những bộ vest và chiếc đầm lồng lộn như “profile” của họ.
Nhưng mình nghĩ như cô Ingrid, những người thực sự xuất sắc biết chắc chắn một điều, họ sẽ không bao giờ biết được mọi câu trả lời, và họ sẽ không bao giờ ngừng học hỏi.
Tinh thần đó, đối với mình, là thứ quan trọng nhất ta cần chuẩn bị cho thế giới hiện tại và tương lai.
Nguyễn Quang Tùng (Sinh viên Trường ĐH Macalester College)
Để chia sẻ những trải nghiệm, góc nhìn của bạn về các vấn đề của giáo dục với VietNamNet, vui lòng gửi email về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được biên tập và đăng tải. Xin chân thành cảm ơn.
9X mê làm giáo dục, 2 lần học chậm để trải nghiệm nhiều hơn
Có hoạch định rõ ràng cho tương lai, Quang Tùng không ngần ngại “gap year” một năm để bắt tay vào các dự án cá nhân và thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Nhưng những điều Tùng làm không dừng lại ở một chuyến đi khám phá đất nước.
10X từng giành giải Nhất quốc gia kể chuyện học Văn trên đất Mỹ
“Từng giành điểm cao nhất trong kỳ thi HSG quốc gia môn Ngữ Văn, nhưng tôi vẫn chỉ đạt 18/20 điểm, tức không phải mức điểm tuyệt đối. Nhưng ở Mỹ lại khác, người học hoàn toàn có thể đạt A+ dù quan điểm có trái ngược với số đông”.
Những thứ 'hớp hồn' cô giáo Việt dạy tiểu học ở New Zealand
Giáo dục 'cá nhân hóa', cũng như giúp trẻ xây dựng nhân cách từ lứa tuổi tiểu học là những điều khiến cô giáo trẻ người Việt ở xứ Kiwi cảm thấy hứng thú.