- Cứ vài ngày Hiệu trưởng Lê Tiến Dũng lại gọi điện thông báo tình hình. Lần nào ông cũng nêu nhiều bức xúc… “Nể” những đơn từ tố cáo liên tiếp không được giải quyết của ông, chúng tôi tiếp tục vào cuộc tìm hiểu.

Tin bài cùng chuyên mục:

Báo VietNamNet vào ngày 28/10/2010 có nêu thông tin về vụ việc “lùm xùm” đang diễn ra ở trường THPTDL Lômônôxốp. Vụ việc đã có kết luận của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng không dẹp yên được những phức tạp ngổn ngang ở ngôi trường này.


Dưới mái trường Lômônôxốp "sóng lớn" vẫn chưa dừng
Nói xấu trường hay đấu tranh?

Tiếp tục gửi đơn thư nhiều lần về báo VietNamNet ông Lê Tiến Dũng có nêu: Sau khi có kết luận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị “Hội đồng quản trị tạo điều kiện để Hiệu trưởng Lê Tiến Dũng hoàn thành nhiệm vụ khi quyết định số 04/QĐ - UBND ngày 02/01/2009 của Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc công nhận Hiệu trưởng vẫn có hiệu lực” (Quyết định 04 là quyết định công nhận nhiệm kì Hiệu trưởng 5 năm từ 2009 -2014 của ông Lê Tiến Dũng). Thì HĐQT vẫn cố tình cản ngăn công tác hiệu trưởng của ông Dũng không theo đúng luật định.

Hiệu trưởng Lê Tiến Dũng nói chuyện với phóng viên
Cụ thể, vào thời điểm 9/2010 Hội đồng cổ đông họp, quyết định trả lương cho Hiệu trưởng 8 triệu đồng/1 tháng từ tháng 9/2010 (giảm 50% lương so với thời điểm trước đó) mà không có quyết định hay lý do chính đáng. Trong khi đó các thành viên khác đều được trả lương cao hơn, tối thiểu là hơn 20%.

HĐQT chỉ đạo một số thành viên trong trường không thực hiện các công việc của Hiệu trưởng giao.

Cũng theo ông Dũng: Nhiệm vụ của Hiệu trưởng là phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, nhà nước, pháp luật về việc các hoạt động ở trường nhưng lại bị các thành viên HĐQT “giành mất việc”.  Như vậy trái với quy định và quy chế Tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục”.

Viết đơn về báo ông Dũng cho rằng: Vì mình dám đứng lên tố cáo các tiêu cực ở trường nên bị trù dập.

Thêm vào đó ông Dũng nêu nhiều vấn đề tồn tại ở trường THPTDL Lômônôxốp như việc HĐQT lập ra một bản thỏa ước lao động trái luật vì quy định kiểu nộp “BHXH tự nguyện” đã bị Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhắc nhở nhưng nay vẫn duy trì đối với cán bộ trong trường.

Ông Dũng cũng đưa ra bằng chứng, chứng minh việc mình tố cáo có cơ sở về việc trường có những tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là không nộp và nộp chậm một số loại thuế và bị phạt…

Hiệu trưởng yếu để… chất lượng học sinh tốt nghiệp 100%

Một mực cho rằng đây là một vụ việc rắc rối, phó chủ tịch HĐQT trường Lômônôxốp Nguyễn Văn Châu đã thẳng thắn trả lời:

Ở trường tư thục, Hội đồng cổ đông quyết định trả lương cho Hiệu trưởng. Qua cuộc họp 15/9/2010 Hội đồng này đã thống nhất trả lương cho Hiệu trưởng Lê Tiến Dũng 8 triệu đồng 1 tháng. Dựa trên các tiêu chí như Hiệu trưởng có phẩm chất yếu, năng lực yếu, quản lý yếu, không được sự tín nhiệm của HĐQT.


Ông Nguyễn Văn Châu trả lời thẳng thắn về các nội dung được hỏi
Khi chúng tôi hỏi về việc nhiệm vụ chính của Hiệu trưởng, ông Châu cho biết: Nhiệm vụ của Hiệu trưởng là quản lý nhà trường, trong đó chịu trách nhiệm chính là chịu trách nhiệm về chất lượng dạy và học của nhà trường.

Hỏi về chất lượng học sinh những năm gần đây ông Châu khẳng định: 100% học sinh THCS và THPT của trường đỗ tốt nghiệp.

Chúng tôi đặt câu hỏi, có mâu thuẫn không trong khi Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục, học sinh của trường có chất lượng giáo dục tốt mà lại đánh giá Hiệu trưởng là yếu, giảm lương không có quyết định?
HĐQT có lạm quyền hiệu trưởng?
Trong Quy Chế - tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục, (Ban hành kèm theo Thông tư  số 13 /2011/TT-BGDĐT) quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Hiệu trưởng trong nội dung tóm lại sau đây:
Hiệu trưởng là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý giáo dục và Hội đồng quản trị (nếu có) về việc tổ chức, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng giáo dục và hoạt động của trường trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng là 5 năm.

Hiệu trưởng trường phổ thông tư thục còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức triển khai việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, hoạt động dạy học và các hoạt động khác của trường theo quy định, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật và kế hoạch đã được Hội đồng quản trị phê duyệt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhà trường;
c) Dự kiến tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự của trường trình Hội đồng quản trị phê duyệt; trực tiếp ký hợp đồng lao động sử dụng giáo viên, nhân viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên và người học theo quy định của pháp luật sau khi được Hội đồng quản trị thông qua.

d) Lập dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm, trình Hội đồng quản trị phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính theo quy định của trường; báo cáo định kỳ với Hội đồng quản trị và các cấp quản lý liên quan về công tác tài chính và các hoạt động của nhà trường…


Ông Châu cho rằng, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không nhất thiết do Hiệu trưởng giỏi. Việc giảm lương, ông Châu đưa ra một văn bản họp phê bình ông Dũng không có ngày, tháng, năm với những lời lẽ xúc phạm nhà giáo.

Ông Châu cho biết thêm, hiện nay HĐQT đã “giảm việc” của Hiệu trưởng, cụ thể là chuyển giao các việc khác như chăm lo bữa ăn, đưa đón học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường cho người khác để Hiệu trưởng Dũng tập chung vào chuyên môn.

Về việc đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động mà Hiệu trưởng Dũng cho là tiêu cực thì ông Châu chỉ ra nhiều cách đóng bảo hiểm ở trường Lômônôxốp mà cách nào cũng trái luật. Ông Châu nói: “Từ trước đến nay nhà thường thực hiện hai cách đóng bảo hiểm: Một là: Nhà trường một nửa và người lao động một nửa. Hai là: Nhà trường thực hiện việc trả lương theo kết quả lao động, còn việc người lao động muốn có chế độ sau này thì tự lấy lương đóng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho mình” (!?). Và hầu hết người lao động chọn phương thức thứ 2 tức là tự nguyện đóng bảo hiểm.

Về sai phạm trong lĩnh vực thuế dẫn đến việc bị xử phạt mà ông Dũng phản án  thì ông Châu cho rằng: Làm việc ở trường chỉ toàn là các thầy cô giáo có kinh nghiệm sư phạm, không biết khoản nào phải đóng thuế, khoản nào được miễn thuế nên có sai sót. Khi thanh kiểm tra và xử phạt nhà trường đã khắc phục 100%.

Việc đối xử với Hiệu trưởng Dũng như vậy có được coi là tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm kì Hiệu trưởng như phân công của Sở? Việc thực hiện chế độ bảo hiểm đối với người lao động như vậy Sở đánh giá thế nào? Việc lấn quyền hiệu trưởng như vậy có đúng luật? Chúng tôi đã gửi câu hỏi đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đang chờ câu trả lời.

  • T. Phan