Ông Vũ Quốc Hùng qua đời sáng 2/10, hưởng thọ 82 tuổi. Lúc sinh thời, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ đã nhiều lần lên tiếng về những vụ việc được dư luận quan tâm, đồng thời hiến kế với Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ cũng như đưa ra những giải pháp để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Trừng phạt để răn đe
Về công tác phòng chống tham nhũng, theo ông Vũ Quốc Hùng, việc kịp thời phát hiện, thậm chí xử lý không chỉ trừng phạt những người có sai phạm đứng trên pháp luật phá hoại kinh tế, phá hoại cơ quan, tổ chức, mà còn có răn đe những người có âm mưu nhưng chưa bị lộ không lấn sâu vào tội lỗi, biết dừng lại.
Ông nói: “Có sung sướng gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm. Nhưng chúng ta vẫn phải làm. Một đất nước không có thượng tôn pháp luật thì làm sao đất nước đó có thể phát triển văn minh được. Rồi những người sắp sửa “nhúng chàm” hoặc là đã “nhúng chàm” rồi thì hãy coi đây là những bài học, hãy mau chóng tránh xa ra hoặc ăn năn hối lỗi, cúi đầu xin lỗi dân”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ cho rằng, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…, ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.
Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định.
Theo ông Hùng, nhìn lại con số kỷ luật cán bộ cấp cao vừa qua, nguyên nhân sâu xa được xác định là do một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Khi cán bộ được giao quyền lực trong tay mà không được kiểm soát tốt thì dễ dẫn tới suy thoái, hư hỏng, chỉ lo làm lợi cho cá nhân, nhóm của mình mà quên đi bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến, đó là tổ chức cơ sở đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.
Do đó, cần tăng cường sự giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Mọi cấp, mọi ngành, các tổ chức và cá nhân phải ủng hộ các cơ quan tiến hành tố tụng để cán bộ các cơ quan này "dĩ công vi thượng", "thượng tôn pháp luật" trong thực thi pháp luật để chống tham nhũng thành công.
Quy trình ‘hợp lòng dân’
Về công tác bổ nhiệm cán bộ, ông Hùng chia sẻ quan điểm, công tác lãnh đạo quản lý nói chung và công tác nhân sự nói riêng phải thể hiện được dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đề bạt cán bộ phải đảm bảo được đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình và hợp lòng dân.
Việc “bổ nhiệm đúng quy trình” gọi là quy trình theo thể thức hành chính. Còn một quy trình nữa là quy trình "hợp lòng dân". Muốn vậy phải công khai minh bạch, làm thế nào để người ta biết vào cái ghế ấy có bao nhiêu người được tuyển chọn và vì sao các cơ quan chức năng lại tuyển chọn người đó. Và hình thức tốt nhất là tổ chức thi.
Còn giả sử chưa tổ chức thi thì cũng phải công khai trong cơ quan, trong tỉnh và cả nước để khi đó, trong nội bộ thấy việc bổ nhiệm là công tâm, trong sáng và vô tư. Nếu tự dưng đề bạt không công khai sẽ gây nghi ngờ đến sự công tâm của tổ chức và tổn thương chính người được đề bạt. Có thể họ là người chịu phấn đấu và có năng lực tốt, nhưng thành ra họ chịu búa rìu dư luận. Cho nên việc gì cũng phải công khai, dân chủ, minh bạch và có những thiết chế để việc này được cụ thể chứ không phải là khẩu hiệu.
Người được lựa chọn phải là những người có tâm có tầm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân chứ không thể là những người mà khi có quyền hành một tí là chuyên quyền, lạm quyền, tiếm quyền và thu vén cá nhân, lôi kéo người khác cùng sai phạm, tạo thành nhóm lợi ích.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng, để xảy ra việc nhiều cán bộ mắc sai phạm thì một trong những nguyên nhân là sơ sẩy khi quản lý, giám sát quyền lực. Hiện nay Đảng cũng đang đặt vấn đề cần có cơ chế để kiểm soát quyền lực, nhưng quan trọng hơn cả là thực hiện, chọn được những người có trách nhiệm, có dũng khí, có trí tuệ để thực hiện những quy định của Đảng trong việc giám sát quyền lực.
Quan trọng là chọn, bố trí những người thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Những cán bộ nào trong quá trình phát triển mà có chuyện này khác thì có người kịp thời nhắc nhở.
Ông Hùng nhấn mạnh, việc xử lý các cán bộ vi phạm là bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi bản thân lãnh trách nhiệm trước Đảng và nhân dân phải suy nghĩ để làm thế nào không vi phạm pháp luật. Điều này không có nghĩa là làm thui chột tính năng động, chủ động, tính dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhưng tất cả đều phải trong khuôn khổ pháp luật và chịu sự giám sát, lắng nghe từ nhân dân…
Ông Vũ Quốc Hùng tham gia cách mạng năm 1960, nghỉ hưu năm 2006. Ông đã kinh qua các chức vụ: nguyên Bí thư TƯ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ các khóa 6, 7, 8, 9; nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TƯ; nguyên ủy viên TƯ Đảng các khóa 7, 8, 9. |