Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thống kê sơ bộ của các địa phương tính đến ngày 16/11 cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ liên tiếp gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung là 9.931ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về, 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.
Trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất khi diện tích nuôi nước ngọt, mặn lợ bị ngập lụt lên tới 2.872ha, sản lượng bị thiệt hại 2.712 tấn; thiệt hại về lồng bè 3.294 m3,ước tính thiệt hại khoảng 165 tỷ.
Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ lịch sử cũng khiến người nuôi trồng thủy sản mất khoảng 100 tỷ.
Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, những ngày giữa tháng 11, lũ tràn về bất ngờ, ầm ầm đổ xuống vùng nuôi tôm hùm khiến tôm bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt. Người nuôi loại hải sản cao cấp này ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại khóc ròng vì thiệt hại tiền tỷ.
Lũ ập về bất ngờ, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu thiệt hại nặng vì tôm chết hàng loạt do sốc nước ngọt (ảnh: PLO) |
Chỉ sau 2 ngày nước lũ tràn về, nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ hoặc vừa được khiêng đưa lên bờ, nằm chỏng chơ. Dưới bãi biển, nhiều người hớt hải, bơ phờ đưa những chiếc thuyền thúng chở đầy tôm hùm chết vào bờ.
Theo thống kê, tại tỉnh này có 159 ha ao nuôi bị thiệt hại, ước tính 11 tỷ đồng; 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại, người nuôi mất khoảng 63 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Tổng cục Thủy sản đề nghị UBND các tỉnh miền Trung khẩn trương thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kịp thời cho người dân theo quy định.
Bên cạnh đó, huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường các vùng nuôi bị thiệt hại. Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ tan (những vùng bị ô nhiễm); Rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão.
Chỉ đạo các địa phương và cơ quan liên quan sớm tổ chức sắp xếp lại hệ thống lồng bè trong nuôi biển, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất khi có thiên tai, bão lũ.
Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm cấp kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai. Có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.
Đồng thời xem xét xây dựng chính sách dự trữ giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai.
Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh trú bão cho tàu cá. Đầu tư hệ thống giám sát, thông tin tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài trên 12 m được gắn thiết bị giám sát, thông tin.
C.Giang