Theo CNN, bức tranh tường mô tả bản đồ của một nền văn minh Ấn Độ cổ xưa bao gồm Pakistan ngày nay ở phía bắc cũng như Bangladesh và Nepal ở phía đông.

Bức tranh tường gây tranh cãi ở trụ sở quốc hội mới xây dựng của Ấn Độ. Ảnh: CNN

Phát biểu trước các phóng viên hồi đầu tháng này, Arindam Bagchi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ giải thích, bản đồ khắc họa Đế chế Ashoka cổ đại và tượng trưng cho “ý tưởng về quản trị có trách nhiệm, hướng tới người dân, đã được Vua Ashoka áp dụng và truyền bá”.

Tuy nhiên, đối với một số chính trị gia thuộc đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền ở Ấn Độ, kể cả Bộ trưởng Các vấn đề Nghị viện Pralhad Joshi, bản đồ dường như đại diện cho tầm nhìn tương lai về “Akhand Bharat ” - một “Ấn Độ không bị chia cắt” sẽ hợp nhất với Afghanistan, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Myanmar.

Các nước láng giềng của Ấn Độ cáo buộc “Akhand Bharat” là một ý tưởng “tân đế quốc gây hủy diệt”, từ lâu đã gắn với tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) cánh hữu, có ý thức hệ ảnh hưởng lớn đến BJP và tin vào “Hindutva”, một ý tưởng cho rằng Ấn Độ nên trở thành “quê hương của những người theo đạo Hindu”.

Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pakistan, nước này cảm thấy “kinh hoàng” trước những phát biểu của giới chức Ấn Độ về bức tranh tường.

Các chính trị gia Nepal cũng bày tỏ sự phản đối. Cựu Thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cảnh báo, bản đồ có thể gây ra một “cuộc tranh cãi ngoại giao không cần thiết và có hại”.

Trong khi, Bangladesh cũng yêu cầu New Delhi làm rõ tình hình vì “sự phẫn nộ ở khắp nơi”.

Trả lời câu hỏi về phản ứng dữ dội của các nước láng giềng, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định, New Delhi đã làm rõ vấn đề và đó “không mang tính chính trị”. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, lời kêu gọi về việc theo đuổi Akhand Bharat của các chính khách BJP tương đối nguy hiểm.