Dự luật H.R. 7521, còn được gọi là “Dự luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng kiểm soát bởi quốc gia đối địch”, nếu được Thượng viện thông qua, sẽ cho phép chính phủ cấm TikTok tại Mỹ trừ khi công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn hoàn toàn khỏi ứng dụng này trong vòng 6 tháng.

Phân cực

Một cuộc thăm dò gần đây của AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng (NORC) cho thấy, 31% người trưởng thành tại Mỹ ủng hộ lệnh cấm TikTok, trong khi tỷ lệ phản đối là 35%. Đối với những người sử dụng ứng dụng này hàng ngày, tỷ lệ phản đối một lệnh cấm lên tới 73%.

Hạ nghị sĩ Sara Jacobs, thành viên của Uỷ ban Quân vụ và Đối ngoại Hạ viện cho biết, “mặc dù nhận thức rõ được nguy cơ về các chiến dịch truyền thông của quốc gia đối địch có thể tạo ra, song việc cấm hoàn toàn TikTok không bảo vệ người Mỹ khỏi việc trở thành nạn nhân của những hành vi sử dụng và khai thác thông tin cá nhân sai mục đích mà các nhà môi giới dữ liệu đang làm hàng ngày tại Mỹ”.

Trong khi đó, dự luật cũng tạo ra lo ngại trở thành tiền lệ khi yêu cầu những nền tảng truyền thông xã hội khác phải thay đổi quyền sở hữu cổ phần.  

tiktok capitol protest gty lv 240313 1710340570420 hpmain.jpeg
Không phải ai cũng đồng tình với đề xuất "cấm cửa" TikTok. Ảnh: ABC News

Về phía TikTok, họ thực hiện chiến dịch kêu gọi người dùng gọi điện đến văn phòng các nghị sĩ để gây sức ép bằng cách hiển thị bên trong ứng dụng dòng thông báo về việc quốc hội có thể “đóng cửa” công ty tại Mỹ. Song, động thái này có thể phản tác dụng khi có thể bị cho là mạng xã hội có ảnh hưởng lớn lên hành vi người dùng.

Với những nhà sáng tạo trên TikTok, họ cho rằng dự luật mà Hạ viện vừa thông qua mang màu sắc chính trị nhiều hơn là bảo vệ người Mỹ. Mặc dù các doanh nghiệp có thể chuyển sang các nền tảng khác, song một lệnh cấm hoàn toàn với TikTok có thể ảnh hưởng nghiệm trọng với những thương hiệu độc lập, mới nổi khác tại đây.

TikTok cũng đang là nền tảng mà các ứng viên chạy đua Tổng thống Mỹ năm 2024 sử dụng để tiếp cận các cử tri trẻ tuổi. Mặc dù vậy, Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ ký thành luật nếu dự luật được Thượng viện thông qua.

“Quá tam, ba bận”?

Đây không phải lần đầu tiên các nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy một lệnh cấm đối với TikTok. Năm ngoái, họ đã đề xuất dự luật “Hạn chế”, mở đường cho phép chính phủ cấm công nghệ từ các quốc gia đối địch.

Tiếp đó, bang Montana đã phê chuẩn lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn có nguồn gốc từ Trung Quốc, song đã bị thẩm phán liên bang “tuýt còi” do vi hiến. Năm 2020, nhánh tư pháp cũng đã ngăn chặn mệnh lệnh hành pháp nhằm cấm TikTok của chính quyền Tổng thống Trump.

Hiện hơn một nửa số bang tại Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị công quyền. Theo khảo sát của Pew Research Center, hai phần ba thiếu niên Mỹ sử dụng TikTok hàng ngày, trong đó 16% thừa nhận liên tục online trên ứng dụng.

Dự luật hiện tại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, khi một số lãnh đạo Uỷ ban tại Thượng viện đã “bật đèn xanh” sau khi kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện được công bố. 

“Chúng tôi thống nhất về những lo ngại với an ninh quốc gia gây ra bởi TikTok - một nền tảng có sức mạnh chi phối và chia rẽ người dân Mỹ, đang thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc. Chúng tôi hi vọng có thể sớm làm việc cùng nhau để đưa dự luật trình ký Tổng thống”, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, phó chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện khẳng định.

Trong khi đó, ngay cả khi Thượng viện thông qua dự luật, TikTok cho biết, họ sẽ thực hiện các hành động pháp lý trước khi cân nhắc lựa chọn “bán mình”. Điều này có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý tiêu tốn thời gian trước khi vụ việc được dàn xếp.

Tiếp đó, việc bán cho ai và ai mua cũng là một câu hỏi. Các công ty Mỹ đủ tiềm lực để mua lại nền tảng đang đẻ trứng vàng của ByteDance có thể kể đến như Meta, Google và Microsoft, lại chưa chắc muốn tham gia vào thương vụ. Một phần do tính chất nhạy cảm khi chính quyền Biden quyết liệt kiểm soát sự mở rộng “sức mạnh” của những gã khổng lồ công nghệ.

Chưa kể, ByteDance cần sự cho phép của Bắc Kinh mới có thể thoái vốn. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc tuyên bố phản đối một lệnh bán cưỡng bức như vậy nếu xảy ra.

(Theo Wired, USAToday)