10 tich tru tien.jpg
Tâm lý người già họ cần sự “bảo trợ” tài chính khi bản thân không có lương hưu...

Bà Tâm (Nguyễn Thị Tâm, 67 tuổi quê ở Ý Yên, Nam Định) cẩn thận gấp những tờ 5 chục, 1 trăm và 2 trăm ngàn cho thành bó riêng rồi tỉ mẩn cho vào túi nilon và cất vào trong chiếc gối đầu giường. Hàng ngày bà chẳng đi đâu, cái gối luôn trong tầm mắt mình. Bởi số tiền trong chiếc gối kia được bà bảo, “đó là tiền làm ma cho tôi sau này”.

Cũng giống bà Tâm, những phụ nữ từ 50 tuổi trở đi ở nông thôn ngoài các khoản tích cóp lo cho những việc lớn trong gia đình như tang ma cho cha mẹ, cưới xin cho con cái… thì họ thường để ra một chút tiền riêng gọi là tiền làm đám cho chính bản thân mình. Tâm lý “tích cốc phòng cơ” này rất dễ nhận thấy của những người cao tuổi ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chia sẻ câu chuyện người già “thích tiền”, anh Nguyễn Huấn (Kim Động, Hưng Yên) kể: Mẹ anh năm nay 69 tuổi, cứ mỗi lần các con cháu đi xa về gần hoặc khách khứa phương xa đến thăm cho tiền là cụ lại cất kĩ vào trong cái hộp nhỏ mà cụ coi là tài sản phòng thân. Ăn không dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu, mua cái gì cũng dè sẻn khiến nhiều khi con cháu cũng thấy ái ngại. 

“Ban đầu biết cụ như vậy chúng tôi đã không biếu tiền nữa mà mua thẳng đồ ăn, thuốc uống bồi bổ. Riêng tiền đi đám hiếu hỉ ở quê hay thăm người ốm đau, chúng tôi biếu cụ riêng nhưng gửi chị gái cầm hộ. Nhưng rồi cụ buồn vì các con không hiểu mình, thế là giờ chúng tôi lại biếu tiền để cụ tự quyết chi tiêu. Bởi tâm lý người già họ cần sự “bảo trợ” tài chính khi bản thân không có lương hưu, do đó chúng tôi vừa thương, vừa cố cảm thông cho nỗi vất vả của mẹ mình”, anh Huấn tâm sự.

Cũng giống nhà anh Huấn, chị Trần Thị Tuyết (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Nhà chị đông anh em, bố mất sớm nên mẹ phải tần tảo một mình nuôi 5 đứa (4 gái, 1 trai). Khi chúng tôi ra ngoài lập nghiệp, xây dựng gia đình thì cũng là lúc lưng mẹ ngày một còng xuống, sức khỏe suy giảm. Gần mẹ chỉ duy nhất có chị gái thứ 2 lấy chồng gần nhà nên mọi việc dồn lên vai chị. Thậm chí, khi có công có việc thì chị đều phải gánh vác thay mẹ và giúp đỡ các chị em”, chị Tuyết nói.

“Những ngày giỗ Tết, khi cả nhà quây quần chúng tôi có đồng quà tấm bánh biếu mẹ và biếu chị, thì cả 2 người đều trân quý và cất kĩ đi vì cho rằng, tiền mặt ở quê quý lắm cần dùng cho rất nhiều việc. Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ, tiền thì ai chả quý vì ở phố chúng tôi cũng rất vất vả mưu sinh. Nhưng khi hiểu sâu hơn câu nói của mẹ và chị, chúng tôi thực sự ngậm ngùi vì chưa thực sự hiểu được mẹ mình. Cái sự tần tảo lam lũ, cái sự tằn tiện chắt bóp của mẹ và chị khi sống ở quê cũng là tâm lý chung của những người đàn bà quanh năm chân lấm tay bùn quê tôi”, chị Tuyết nghẹn ngào.

Thực tế, cuộc sống của người cao tuổi ở nông thôn hiện nay đã vơi bớt khó khăn, nhưng số lượng người già không có bất cứ khoản lương hưu hay phụ cấp nào vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn, nhất là ở khu vực nông thôn khi người cao tuổi đa phần là nông dân không tham gia BHXH. Cụ thể, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tính đến hết tháng 6/2023, số người tham gia BHXH trên cả nước mới khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy, ngay số người trong độ tuổi hiện nay cũng chưa ý thức được hoặc chưa có điều kiện chuẩn bị cho tuổi già của mình.

Còn trong một báo cáo khác có liên quan của Hội người cao tuổi Việt Nam được khảo sát trong phạm vi hẹp năm 2022 cho thấy, có tới 70% người cao tuổi không có tích lũy. Như vậy, việc người cao tuổi phải “cậy nhờ con” dù trong bất kỳ tình cảnh nào cũng là điều đã được dự tính, phù hợp với đạo lý nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay thì lại là một áp lực cho hệ thống an sinh xã hội nói chung, trong mỗi gia đình nói riêng. Bởi ai cũng hiểu, tiền tiết kiệm của thời trẻ chính là sức mạnh của tuổi già.

Trong khi đó, tâm lý tích cốc phòng cơ luôn luôn đúng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, chính người cao tuổi (có lương hưu) cũng hiểu sâu sắc câu “Tuổi già có tiền, không phiền con cháu”. Chính vì lẽ đó, tâm lý tích cóp tiền của người già ở nông thôn (những người đa phần không có lương hưu/trợ cấp) cũng là hành động phòng thân dễ hiểu và rất đáng được con cháu ủng hộ, cổ vũ và chung sức nhằm xoa dịu đi sự thiệt thòi và khó khăn của người cao tuổi ở quê nhà.

Bình Minh và nhóm PV, BTV