Việt Nam có số lượng lễ hội "vô địch" trong một năm nhưng lại đang đứng ở nhóm cuối trong khu vực về năng suất lao động.

Mỗi ngày vài chục lễ hội

Cứ theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), hiện nước ta có tới 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng…

Tính theo số lượng này, trung bình một ngày ở Việt Nam có khoảng 21 lễ hội.

{keywords}
Việt Nam đứng đầu thế giới về số lượng lễ hội. Ảnh minh hoa: dantri.com

Nhìn ở góc độ lao động-việc làm, phàm đã tham gia lễ hội thì sẽ phải tạm bỏ bê công việc chuyên môn của mình. Nếu suy luận theo cách thông thường, mỗi ngày ở nước ta có hàng chục ngàn người chỉ chơi mà không làm gì. Nếu nhân theo số giờ làm việc thì đã có một số lượng lớn giờ làm việc bị sử dụng không đúng mục đích.

Ví dụ như ngày khai hội chùa Hương đã thu hút khoảng 6.000 người tham gia dù đó là ngày đầu tiên các cơ quan, công sở trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Cùng ngày này, lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng được khai mạc thu hút hàng ngàn người dù không có số liệu thống kê cụ thể. Cả biển người đổ về Hội Lim trong ngày khai hội dù ngày này vẫn đang là ngày làm việc. Những lễ hội nổi tiếng như vậy thì hàng ngàn người tham gia mỗi ngày là chuyện bình thường.

Vì thế, không còn khó lý giải khi các KCN vắng bóng công nhân sau Tết vì nhiều công nhân còn nấn ná ở lại quê để dự hội. Nhiều ông chủ đau đầu với việc phải hết tháng Giêng lao động phổ thông mới trở lại làm việc vì bận đi chơi hội hè.  Nhiều công sở cũng vắng bóng người làm vì những đoàn “du xuân” được tổ chức rầm rộ, xếp công việc lại để vui chơi trước!

Theo tổng kết của các chuyên gia, ở Việt Nam các lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu, là mùa của thảnh thơi, nông nhàn. Ngoài các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng thì đây cũng là những mùa người nông dân được rảnh rang nhất trong năm khi các vụ trồng cấy vừa qua đi. Vì thế họ tham gia lễ hội. Tập quán lâu đời của nền sản xuất nông nghiệp theo thời vụ vẫn in đậm cho dù thời điểm này đã là thế kỷ 21 và nước ta đang quyết tâm trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Và câu chuyện năng suất lao động

Mặc dù ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á-Thái Bình Dương từng lý giải “năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó” nhưng dường như vẫn có sự liên quan mật thiết giữa thói quen hội hè lúc nông nhàn và năng suất lao động. Nhất là khi câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực vẫn đang nóng các diễn đàn.

{keywords}
Việt Nam đang đứng trong nhóm cuối khu vực về năng suất lao động. Ảnh minh họa: baodatviet.

Gần tám ngàn lễ hội được sinh ra từ tập quản sản xuất nông nghiệp và đến nay nó vẫn đang được duy trì như minh chứng rằng những thói quen ăn chơi lúc nông nhàn vẫn chưa được xóa bỏ.

Nhìn dưới góc độ năng suất lao động ngày nay, thực tế đã chứng minh, ở nước nào tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp càng cao thì năng suất lao động càng thấp. Ông Malte Luebker khẳng định, ở những quốc gia như Cambodia, Lào và Việt Nam vẫn còn một phần lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, vậy nên năng suất lao động chung thấp hơn các nước khác trong khu vực.

Tương tự, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất có năng suất lao động chung thấp.

Dù không phản ánh được mức độ chuyên cần của người lao động nhưng rõ ràng năng suất lao động thấp cũng là kết quả của lề lối làm việc theo thói quen hội hè lúc nông nhàn, kỷ luật lao động kém.

Bỏ mặc nỗi lo của ông chủ, công nhân sẵn sàng nghỉ việc để đi chơi. Bỏ mặc nhiều công việc còn xếp đống, nhân viên công sở vẫn trốn việc để đi lễ, xem hội. Mức độ hoàn thành công việc dù chưa được đo lường bằng những giá trị tuyệt đối quy ra tiền nhưng việc chơi nhiều hơn làm, tạo ra ít của cải hơn cho xã hội, vì thế năng suất lao động vốn được tính theo số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động) khó có thể cao được.

Bởi vậy ý thức trách nhiệm/ đúng giờ và đáng tin cậy lại là kỹ năng thiếu hụt nhiều nhất của người lao động Việt Nam- theo kết quả cuộc khảo sát về thiếu hụt kỹ năng lao động trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài được Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố năm 2014. Năng suất lao động vốn không phản ánh nhiều trình độ của người lao động nhưng rõ ràng năng suất lao động khó có thể cao khi nguồn nhân lực của một quốc gia kém ý thức trách nhiệm, không đáng tin cậy và không đúng giờ- những phẩm chất cần có của người lao động trong xã hội công nghiệp.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, ở một cấp độ rộng hơn, năng suất lao động phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Báo cáo của ILO và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây cho thấy năng suất lao động trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Như vậy, với gần 70% dân số vẫn đang làm nông nghiệp và ảnh hưởng của nền nông nghiệp theo mùa vụ (ít có sự điều chỉnh dựa trên các thành tựu khoa học kỹ thuật) vẫn còn mạnh mẽ lên đời sống tinh thần của người dân mà biểu hiện rõ nhất là sự tồn tại của gần tám ngàn lễ hội một năm, thì sẽ khó có thể mơ đến một năng suất lao động cải thiện nhanh.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội năm 2014, cơ quan thống kê cho biết theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng mỗi lao động (tương đương 3.515 USD). Năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình 1/5 năm Malaysia và 2/5 Thái Lan.

  • An Dương