Tại kỳ World Cup 2022 vừa qua, cả thế giới đã vô cùng choáng ngợp với một Dubai xa hoa, hiện đại và đầy thu hút. Tuy thế ít người biết rằng mới 3 thập kỷ trước thì đây còn là một “vùng trũng kinh tế” tại Trung Đông. Điều gì làm nên thành công của một vương quốc “nhỏ” chỉ khoảng 2 triệu người mà giờ đây đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của thế giới, cùng nhiều dự án nổi bật như tòa nhà cao nhất Burj Khalifa, quần đảo nhân tạo lớn nhất The Palm…?

Lịch sử đã chứng minh rằng sẽ luôn tồn tại những “con người lớn” mà tên tuổi họ sẽ mãi được nhắc đến, tầm nhìn của họ thì sẽ thay đổi cả một vương quốc, cả một quốc gia. Quốc vương Dubai - Mohammed bin Rashid Al Maktoum có thể nói là một trong số đó. Qua cuốn hồi ký Tầm nhìn thay đổi quốc gia, cả một “lịch sử vươn mình” của Dubai nói riêng và UAE nói chung đã được trình bày, tóm gọn rõ ràng và cũng thu hút. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Dubai, mà qua đó mỗi quốc gia, mỗi thể chế… đều sẽ rút ra được các bài học cho mình từ tham chiếu đó.

Sự quan trọng của 'Tầm nhìn'

Theo Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum, để một quốc gia có được thành công thì họ phải luôn nỗ lực để tiến lên phía trước với vị thế tiên phong. Để hiện thực hóa điều này, họ phải biết cách nắm bắt thời cơ, tận dụng hết mọi cơ hội trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng. Từ đó kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, cũng như linh hoạt trước các thay đổi và liên tục thích ứng với sự biến động từng ngày, sẽ đem đến tầm nhìn tốt.

Ông nhấn mạnh rằng con đường ngắn nhất tiến tới tương lai tươi sáng là cách tiếp cận sáng tạo và tiên phong, “dẫn đầu chứ không theo sau”. Bằng chính sách phát huy vị thế cá nhân (tập hợp cá nhân có óc sáng tạo, trình độ cao, nhiều năng lượng), cùng với phát triển kỹ năng lãnh đạo cho người phù hợp thì cơ hội tiên phong đón chờ nền kinh tế mở cũng như thay đổi và thích ứng với thực tế biến đổi nhanh chóng sẽ phát huy được tầm quan trọng của mình.

Cuốn sách 'Tầm nhìn thay đổi cả một quốc gia'

Nói về tầm nhìn ông cũng cho rằng, nó cần kết hợp được với cả hai yếu tố quyết định: tính khả thi và được thực hiện trong thời hạn hợp lý. Tầm nhìn độc đáo là một trong những yếu tố cho phép nắm bắt tương lai, tuy thế các nhà lãnh đạo, những người thực hiện… cũng cần có những nỗ lực phù hợp để hiện thực hóa được tầm nhìn đó.

Theo đó một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa cần trung thành với tầm nhìn của mình đồng thời cũng phải xem xét kỹ lưỡng những sự chỉ trích mang tính xây dựng cũng như thuyết phục người khác bởi giá trị và hiệu quả của tầm nhìn này. Trong quá trình đó, họ phải kiên gan chinh phục hết mọi chướng ngại và vật cản đường, bằng cách chắt lọc, xác định mục tiêu, điều chỉnh và giám sát để có thể thực hiện tầm nhìn đó.

Nói riêng về cách thực hiện, ông cũng cho rằng một tầm nhìn lãnh đạo thực thụ phải có kế hoạch và các giai đoạn thực hiện rõ ràng. Những yếu tố quan trọng như nguồn lực cần được huy động đủ và có chất lượng. Ngoài ra cũng cần xác định rõ nhóm làm việc là ai, thật cụ thể hóa cùng với cân nhắc thời gian đặt ra để có một tầm nhìn bao quát.

Vai trò của người lãnh đạo trong tương lai kiến tạo

Trong cuốn sách này, một người lãnh đạo đi trước thời đại là người liên tục nhìn thẳng về phía tương lai mà không mơ tưởng. Họ phải có được tầm nhìn đúng đắn, từ đó dẫn dắt người dân đến với tương lai tốt hơn. Họ luôn phải tâm niệm rằng mình luôn phải tận dụng những cơ hội tốt bất cứ khi nào có thể, từ đó nắm bắt nhanh nhất có thể, và nếu không có thì hãy tự mình tạo ra.

Ra quyết định đúng thời điểm theo đó là một trong những nhân tố quan trọng để có được thành công, nhưng cũng đồng thời là trách nhiệm quan trọng của người lãnh đạo. Để tránh những thất bại có thể xảy ra, thì nhà lãnh đạo phải phát triển tầm nhìn theo một thời gian biểu chặt chẽ sau khi xem xét cẩn trọng mục tiêu và lên kế hoạch rõ ràng. Họ cũng cần phải sẵn sàng ra những quyết định khó khăn nhằm đạt được mục tiêu cụ thể.

Họ cũng phải có được những khả năng nhìn thấy được trước những điều người khác không thấy, từ đó dự đoán tương lai, dự kiến thử thách và chuẩn bị đối phó với những khó khăn này. Quá trình chuẩn bị kỹ càng cùng với việc lên kế hoạch rõ ràng, có nỗ lực, luôn đổi mới và cố gắng hết sức để đạt mục tiêu sẽ là những thành tố chính giúp cho tầm nhìn thật sự đúng đắn.

Tuy nhiên một người lãnh đạo cũng không hẳn là “con sói cô độc”. Họ phải biết cách tìm kiếm sự cố vấn của chuyên gia, những người nắm vững chuyên môn, hiểu biết sâu rộng... Tuy thế điều này cũng sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro về mặt nhân lực, do đó họ cũng đồng thời sẽ phải theo dõi sát sao và sử dụng hết khả năng quản lý rủi ro của mình. Không những trên mặt chiến lược, mà người đứng đầu cũng cần tự giác tuân theo kỷ luật, quản lý hành vi của mình sao cho hợp lý và áp dụng quy tắc hành xử đúng đắn.

Một khi tiến hành “giao quyền” thì người lãnh đạo phải chọn đúng người, và phải theo sát người được giao việc. Họ phải duy trì “khoảng cách nhất định” để cấp dưới và người được chọn hiểu rằng quyền lực giao cho anh ta có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Không những thế, một người lãnh đạo có trách nhiệm là người cũng sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bất kỳ sai lầm nào mà người được trao quyền phạm phải.  

Do đó có thể nói rằng để trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn thì những phẩm chất đòi hỏi sẽ có bao gồm: khả năng dẫn dắt – đi đầu, đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, hoàn thành mục tiêu trong tầm nhìn, gánh vác trách nhiệm, đối mặt với chỉ trích, trao quyền – bàn bạc với người khác, đặt ra mục tiêu rõ ràng, hiểu rõ bản thân, tự tin, có kiến thức, xác định rõ ràng thông điệp, thuyết phục được người dân, biết khuyến khích và động viên nhóm làm việc, cũng như trở thành biểu tượng của cộng đồng.

Phương tiện để thực hiện tầm nhìn

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hóa một tầm nhìn là hệ thống quản lý. Khi một hệ thống quản lý hiệu quả thì mọi mặt khác cũng sẽ vượt trội. Về phía ngược lại, nếu sự thực thi và các nguyên tắc quản trị không được nâng cao thì việc triển khai có nhiều nguy cơ sẽ bị chững lại.

Việc quản lý tốt đòi hỏi chính người quản lý phải có năng lực. Vì vậy thế nào là “người có đủ năng lực”? Theo đó, người quan trọng này phải có những phương thức giải quyết khác nhau cho mỗi vấn đề mà mục đích cuối cùng là tạo ra được chính sách và quyết định tốt nhất từ những lựa chọn sẵn có, biến chúng thành các mục tiêu mà kết quả có thể định lượng chính xác.

Quản lý không những là việc “động chạm” đến bộ máy chính quyền, mà còn phải có trách nhiệm với người dân của mình. Một sự quản lý được đánh giá tốt là phải tận tâm phục vụ dân chúng và đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của tất cả người khác. Điều này cũng có nghĩa là sẽ không có chỗ cho những người đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng.

Trong quá trình quản lý, sẽ có rất nhiều khó khăn mà người đứng đầu sẽ luôn gặp phải. Một trong số đó chính là thói quen – “kẻ thù của tinh thần tiên phong”. Bộ máy hiện thực tầm nhìn cũng cần không được sợ hãi những công việc khó, có đủ năng lực vượt qua thử thách và nhiều sức ép. Quan trọng hơn họ không được ngủ quên trên những thành công hiện có và không đổ lỗi cho hoàn cảnh, ngụy biện để biện minh cho sai lầm.

Để tránh những “cái bẫy” này, thì việc quản trị cũng cần cải cách. Theo đó, người lãnh đạo cần có mục tiêu và hiểu rõ con đường mà mình đang đi. Bằng cách tuyên dương những người dám nói ra suy nghĩ của mình, không có sự phân biệt giữa nhân viên và người đứng đầu hay người lãnh đạo… thì sự trao đổi giữa các thành viên trong nhóm sẽ thật trơn tru và có hiệu quả.

Bởi vì làm việc nhóm là một trong những con đường quan trọng nhất để thực hiện thành công tầm nhìn và mục tiêu của người lãnh đạo, nên nhóm làm việc phải được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau bằng lòng tận tụy, có sự liên kết mật thiết, giao tiếp một cách hiệu quả và thiết lập các mục tiêu rõ ràng. Các thành viên trong nhóm cũng nên được tôn trọng, thấu hiểu, khích lệ, thúc đẩy và thích thú với trách nhiệm mà mình được giao.

Và một khi các cá nhân được là chính mình và thể hiện được cá tính của mình, thì ta sẽ dễ dàng giải thoát được tiềm năng và động lực cho các sáng tạo. Khi giải thoát tiềm năng cá nhân cũng có nghĩa là giải phóng cho toàn cộng đồng mà các cá nhân là một phần trong đó, dẫn đến “khu vườn sáng tạo” sẽ thật sự bừng nở. Tuy thế người lãnh đạo cũng nên có những góc nhìn “nghiêm túc” với việc vận hành, chẳng hạn như biết tha thứ cho những sai lầm không cố ý, nhưng nên điều tra những lỗi do cẩu thả, chần chừ, từ đó thiết lập được một mối quan hệ cân bằng.

Với Tầm nhìn thay đổi quốc gia, Quốc vương Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã cho thấy rằng yếu tố cốt lõi để xây dựng một quốc gia hùng mạnh chính là tầm nhìn chiến lược. Để thực hiện nó một cách có hiệu quả, tốc độ và đi đúng hướng, thì người lãnh đạo và mọi thành viên trong bộ máy thực hiện cần phải hướng đến một mục tiêu chung, từ đó đưa các quốc gia vươn lên từng ngày, bởi “phát triển là một quá trình liên tục và cuộc đua vì sự xuất sắc không hề có đích đến cuối cùng”.

Ngô Minh