Trái ngược với sự căng thẳng của những phụ huynh đưa con đi rút hồ sơ, những phụ huynh cùng con đi nộp hồ sơ ở thời điểm áp chót có vẻ bình tĩnh hơn nhiều, dù vẫn không hết lo lắng.
Những phụ huynh kiên gan nhất
Khu vực nộp hồ sơ ĐKXT của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 17/8 khá vắng lặng nếu so với khu vực rút hồ sơ. Không ít thí sinh chờ đến cận ngày kết thúc đợt 1 mới lần đầu tiên mang hồ sơ tới nộp tại một trường duy nhất.
Anh Hoàng Anh (Hà Nội) cho biết sở dĩ tới ngày hôm nay mới đưa con đi nộp hồ sơ ĐKXT vì không muốn con phải nộp vào, rút ra nhiều lần. “Bố con tôi vẫn theo dõi thường xuyên thống kê hồ sơ ĐKXT, nhưng không nộp ngay, vì nếu phải rút sẽ gây tâm lý không tốt cho con”.
Phụ huynh cùng con làm thủ tục nộp hồ sơ ĐKXT tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội |
Mặc dù đã xác định khả năng trúng tuyển là 100% thì mới nộp hồ sơ, nhưng anh Hoàng Anh vẫn thẳng thắn nhận xét: “Với kiểu thi mới này, tôi thấy con mình như… con thỏ, chịu thí nghiệm. Dĩ nhiên không có cái gì đưa ra mà hoàn thiện ngay được, nhưng với diễn biến và dư luận trên mạng như hiện nay gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn cho trẻ con”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội) cũng “hộ tống” cậu con trai tới nộp hồ sơ, thậm chí đứng xếp hàng luôn cùng cậu bé. Trong lúc chờ tới lượt, anh Tuấn không dấu nổi sự lo lắng. “Nếu nộp hồ sơ từ mùng 10 chắc con tôi phải rút vài lần rồi”.
“Từ đầu, cháu nhà tôi theo Trường ĐH Xây dựng, nhưng đến hôm nay quyết định về Bách khoa. Ngày nào tôi cũng phải vào mạng để xem cập nhật số lượng hồ sơ. Link của trường bị chết, tôi còn phóng xe đến tận nơi để xem. Mình ở Hà Nội còn làm thế được, thì ở nông thôn không biết như thế nào, làm gì mà mọi người chả kéo nhau về trường nộp hồ sơ trực tiếp cho yên tâm”.
Anh Lê Văn Việt đứng xem bảng thông báo về tình hình điểm xét tuyển dự kiến của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Anh Việt lấy diện thoại, mở cho mọi người xem tin nhắn của cô em họ nhờ vả ông anh “canh” điểm của các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, HV Tài chính và ĐH Hà Nội. “Đấy, từ đầu đợt xét tuyển đến giờ ngày nào tôi cũng phải vào mạng xem điểm của mấy trường kia, còn Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở ngay gần nàh nên thường xuyên đến trực tiếp. Đứa em được 24,75 điểm, nó thích ĐH Ngoại thương lắm nhưng tình hình như thế này là không có cửa vào rồi. HV Tài chính nó chắc chắn đỗ, nhưng nó lại không thích. Nó cũng muốn vào khoa Kế toán của ĐH Hà Nội nhưng tôi khuyên nó là nếu học về kinh tế thì nên học ở một trường chuyên ngành. Nên bây giờ chỉ còn trường này, điểm vào các ngành vẫn lên xuống, chưa ổn định, nên chắc phải tới 19 anh em tôi mới mang hồ sơ đến”.
Mọi người xung quanh tán đồng: “Bây giờ 24,75 điểm thì khẩn trương rút hồ sơ khỏi ngoại thương thôi, chẳng mơ gì nữa”.
Chị Phạm Thị Long ở Đan Phượng (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Mai ở Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng là những phụ huynh đưa con tới nộp hồ sơ một lần duy nhất, khi đã “chắc ăn”. “Có lúc mình cũng sốt ruột giục nó đi nộp, nhưng nó bảo chờ thêm vì điểm khá cao, nên chờ tới bây giờ” – chị Mai cho biết.
Nhưng sự chắc chắn của người này lại là nỗi buồn của người khác.
Chị Mai Hoa, người vẫn chỉ định đến xem tình hình hồ sơ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân như thế nào trước khi quyết định nộp cho con vào phút cuối, chia sẻ: Tôi ngồi đây nói chuyện với các phụ huynh đưa con đến nộp hồ sơ, cũng thấy thương lắm. Biết là mình chắc chắn nộp vào sẽ có một cháu khác bị trượt khỏi suất trúng tuyển, nhưng biết làm sao được”.
“Tôi thấy việc các trường chậm thông báo danh sách tuyển thẳng và thời hạn đến đăng ký tuyển thẳng cũng ảnh hưởng rất lớn tới thí sinh. Nếu 19, 20 các cháu tuyển thẳng mới ùn ùn tới các trường để nộp hồ sơ, là các cháu đã đẩy một loạt các bạn có cơ hội trúng tuyển ra khỏi danh sách. Lúc đó, những cháu trượt vào phút chót mới cuống cuồng đi rút hồ sơ, không biết có còn kịp nộp vào trường khác không” – anh Tuấn nhận xét thêm.
Không phải lúc để các cháu “trưởng thành”
Với việc theo dõi sát sao tình hình thi cử của con cái, những phụ huynh này đương nhiên không bỏ qua những phát ngôn, ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Cùng con xếp hàng làm thủ tục ĐKXT |
“Tôi thấy rằng thí sinh không cảm nhận được sự “trưởng thành” mà Bộ trưởng nói tới” – anh Hoàng Anh nhắc tới ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng thí sinh sẽ trưởng thành hơn qua cách xét tuyển kiểu mới. “Ai có con đi thi thì biết. Con cái tự lo là có, nhưng bố mẹ còn lo lắng hơn. Có thể các thí sinh ở tỉnh sẽ tự lập hơn trong việc tìm kiếm thông tin. Nhưng mà bạn nhìn đấy, muốn đi rút với nộp hồ sơ, có cháu nào là không đi cùng người nhà đâu?”
Vị phụ huynh này cũng bình luận: “Thi cử kiểu này còn gây ảo tưởng lớn cho trẻ con. Bố mẹ, người lớn hiểu chuyện thì không nói, nhưng trẻ con sẽ bịa ảo tưởng bởi điểm số. Ví dụ như cách cho điểm như năm nay, trung bình mỗi môn 5 điểm chỉ vừa mức tốt nghiệp của những năm trước, nhưng năm nay đây là mức điểm để vào đại học rồi. Những năm trước, các cháu điểm thấp xác định vào trung cấp, cao đẳng luôn, nhưng năm nay lại còn xét tuyển bằng hồ sơ THPT, nên lắm cháu cứ cố đăng ký vào ĐH. Điều này, theo tôi là gây tác động không tốt tới các cháu, vì kể cả khi vào được ĐH thì với sức học có hạn, chưa chắc các cháu đã theo nổi chương trình”.
Để quyết định con mình “nhảy” từ Xây dựng sang Bách khoa, anh Tuấn cho biết đã tham khảo ý kiến của những người đã theo nghề xây dựng. “Thấy mọi người nói làm việc vất vả quá nên tôi và con cùng quyết định thôi, chuyển sang bên này”. Không chỉ theo dõi điểm trên mạng, anh Tuấn còn cặm cụi ngồi in các dữ liệu, tự so sánh, phân tích để lựa chọn cho con. “Thật sự tôi không thể yên tâm nếu để con tự làm những việc này, vì ảnh hưởng tới cả tương lai của cháu. Tôi cho rằng, khi đã vào được trường đại học rồi, con có thể dần tự quyết định tới những việc trong cuộc sống. Còn bây giờ, vừa mới rời trường phổ thông mà lại “vấp” ngay cuộc chơi căng thẳng này, ngay bản thân mình còn không đủ tự tin khi đồng hành cùng con, nữa là các cháu”.
Ngân Anh