Trong số 54 bị cáo của vụ án, dư luận chú ý đến 2 bị cáo là điều tra viên cao cấp Hoàng Văn Hưng và Thiếu tướng nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn. Họ đều biết rất rõ những việc làm của mình là phạm tội, thậm chí là trọng tội, nhưng vẫn cứ lao vào để đến hôm nay đứng trước tòa.
Màn đấu khẩu rượu - tiền giữa hai nhân vật này tại tòa mang nặng tính bi hài kịch và rất căng thẳng. Chuyện là ông Tuấn bàn với “cô em thân thiết” là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Công ty Bầu trời xanh, người có khả năng bị truy tố do tìm cách đút lót tiền cho ông Hưng, Tưởng phòng, điều tra viên cao cấp phụ trách chuyên án để chạy án, hòng thoát tội.
Ông Tuấn, bà Hằng khai cho 450 ngàn đô la vào cặp khoá số và khóa lại và chuyển cho ông Hưng như là “khoản phí” để chạy án cho bà Hằng và ông Giám đốc của bà tên là Sơn.
Về phần mình, tại tòa ông Hưng phủ nhận chuyện nhận tiền và chỉ thừa nhận chuyện nhận cặp, mà trong cặp là 4 chai rượu vang. Tiếc là chi tiết vì sao lại tặng 4 chai rượu vang trong cặp số lại không được làm rõ vì chả mấy ai làm như vậy.
Ngay cả chi tiết đến 400 cuộc điện thoại trao đổi giữa ông Tuấn và ông Hưng; hay chi tiết bà Hằng khai nhìn thấy ông Tuấn có đưa chiếc cặp mà bà vừa đưa cho ông Tuấn để giao cho ông Hưng; hay chi tiết mỗi lần ông Tuấn đưa tiền cho Hưng đều gọi cho bà lại chưa được làm rõ để thành bằng chứng đủ buộc tội ông Hưng đã nhận tiền.
Ông Hưng kiến nghị, nếu toà đưa ra được chứng cứ là tiền thì ông sẽ nhận tội.
Chuyện Rượu - Tiền đầy bi hài kịch xem ra chưa ngã ngũ giữa của ông cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội và ông cựu điều tra viên cao cấp. Hay ông điều tra viên cao cấp tài đến thế là cùng?
Ai chứng kiến trong cặp ấy có tiền? Ông “công khai” đến mức trên xe mở cặp ra và thông báo cho lái xe là ông nhận được rượu từ ông anh. Nhưng mà chỉ nói thôi chứ có chứng kiến mở cặp đâu vì ông ngồi ghế sau, lái xe ngồi ghế trước sao mà nhìn thấy. Ngay cả lái xe cũng thừa nhận không nhìn thấy tiền.
Màn đấu khẩu qua lại chưa có hồi kết, ông Hưng còn hẹn sẽ đến hôm tranh luận tại toà và sẽ công khai vạch chuyện điều tra viên bỏ loạt tội phạm. Những chi tiết ly kỳ có lẽ còn được kể ra.
Cho dù thế nào, ông Tuấn và ông Hưng đã phạm tội rất lớn: họ biết sai mà vẫn cứ làm. Ông Tuấn biết chạy án sẽ là trọng tội mà ông vẫn chạy. Ông là Thủ trưởng cơ quan điều tra cơ mà. Ông quá rõ điều này vì chính bản thân ông khi tại chức đã thường xuyên thực hiện công vụ này. Không biết ông đã truy tố bao nhiêu người vi phạm tội này rồi. Đáng lẽ ông phải khuyên “cô em thân thiết” của mình, cô em mà ông hết lòng thương xót ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng. Và nếu ông thương thật thì phải mắng mỏ, cấm cô không được đút lót hối lộ, chạy án.
Còn ông Hưng là người thực thi nhiệm vụ điều tra có vai trò như thế nào, có ăn tiền để bỏ qua tội phạm như cáo trạng?
Sai mà vẫn cứ làm, cố làm cũng lặp lại ở nhiều bị cáo khác. Ông cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân trần “không biết nhận tiền là phạm tội”; ông cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam lại nói ráo hoảnh “tưởng nhận tiền doanh nghiệp khác với tiền ngân sách”. Ở đây hai ông khi vào ngành đã biết quá tường tận nhiệm vụ của mình.
Bà Hương Lan, cựu Cục trưởng của Bộ Ngoại giao, ra giá mỗi chuyến bay giải cứu phải nộp cho bà 150 triệu đồng.
Còn ông Thư ký của vị Thứ trưởng Bộ Y tế lại khai chỉ ăn mỗi một mình. Ông ăn đến hơn 42 tỷ mà không thèm chia cho ai một đồng nào. Ông biện bạch có ít vai trò trong việc quyết định các chuyến bay giải cứu thế mà lại ăn đậm nhất. Đúng là có gan dám làm, dám chịu.
Đường dây chạy án là phải chạy đến những người có trách nhiệm trong chuyên án đó, là những người thực thi công vụ có quyền phán xét, đưa ông nọ bà kia vào truy tố, chấm người này hay người kia là có tội hay không có tội.
Với những loại cán bộ này công lý chỉ là tiền. Cái gì chi phối họ, tạo động lực lớn cho họ?
Đó chính là căn bệnh thoái hoá, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá!
Vụ án này chắc chắn sẽ là lời cảnh báo, cảnh tỉnh cho những ai lợi dụng việc công để làm tiền, để ăn tiền, để tham nhũng thì trước sau cánh cửa nhà giam cũng rộng mở.
Nguyễn Đăng Tấn