Báo cáo sơ bộ của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nước ta có khoảng 500.000 ha có thể nuôi biển và hàng chục khu bảo tồn ven biển có thể nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, về vùng nuôi dù được định hướng nuôi biển xa bờ và tận dụng các khu bảo tồn hay các đảo gần bờ, nhưng do quy hoạch không gian biển chậm trễ khiến hoạt động nuôi biển dù đang tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cụ thể, theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, bao gồm: 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm: Cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn.

Cục Thủy sản đề ra mục tiêu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định so với năm 2023 là 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi mặn, lợ là 920 nghìn ha. Chiến lược đã rõ, định hướng đã cụ thể nhưng việc chuyển đổi nghề cho ngư dân sang nuôi biển ở một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do: thiếu vùng nuôi, thiếu hỗ trợ vốn cho đầu tư sản xuất và các chính sách trợ giúp khác; khó khăn khi chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng nhựa HDPE…

Ở góc độ ngư dân, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam lại cho rằng, ngành nuôi biển ở nước ta đang vấp phải 8 “điểm nghẽn”, gồm: Thiếu quy hoạch không gian biển; Thiếu cơ chế giao biển (mặt nước) cho tổ chức, cá nhân nuôi biển; Thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; Chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; Chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; Chưa có chính sách rõ ràng hỗ trợ phát triển cho hoạt động nuôi biển; Thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về nuôi biển; Thiếu nguồn tín dụng cho hoạt động nuôi biển.

Riêng về diện tích nuôi trồng, ngoài 500.000 ha có thể nuôi biển nằm trải dài ở hơn 20/28 tỉnh thành ven biển thì các khu bảo tồn biển cũng là một trong những không gian tối ưu cho hoạt động nuôi biển. Ví dụ các khu bảo tồn Hòn Cau (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận).

Tuy nhiên, để có thể nuôi biển trong các khu bảo tồn thì cần được sự “gật đầu” của các cơ quan chức năng. Nhưng do chưa có quy hoạch không gian biển cho các thành phần kinh tế cụ thể nên ngành nuôi biển nói riêng, các ngành kinh tế biển nói chung (đóng tàu, điện gió, hậu cần cảng/cảng biển/ cảng cá…) đang rất thiếu không gian, nói đúng hơn là ngư dân và doanh nghiệp đang “khát biển” không chỉ cho nghề nuôi biển.

Trong khi đó, trên 90% diện tích nuôi biển của Việt Nam vẫn theo dạng thủ công (lồng bè truyền thống và cách thức chăn nuôi cũ). Do đó, để chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp cần quá trình, nguồn lực đầu tư và chính sách hỗ trợ. Nếu nuôi biển xa bờ phù hợp hơn cho các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh thì nuôi biển gần bờ, nhất là các khu vực ngư trường truyền thống cũ của các ngư dân hoặc trong các khu bảo tồn biển lại phù hợp cho các hợp tác xã hoặc các hộ nuôi cá thể hơn.

6 ly son.jpg
Các lồng nuôi biển của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi. 

Nhưng để chuyển từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, “kéo” được các lồng nuôi ra xa bờ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven bờ và dành lại không gian cho các ngành kinh tế biển khác thì mô hình nuôi biển phải được đầu tư bài bản. Đơn cử việc chuyển đổi lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE) với quy mô lớn, nuôi cách bờ từ 6-10km, tại các vùng biển có độ sâu dưới 50m sẽ hoàn toàn khác so với nuôi ven bờ ở các vùng biển kín, các vũng vịnh như truyền thống hiện nay.

Cũng giống như trên cạn, người dân cần giao đất giao rừng để sản xuất; cần có ruộng để canh tác cấy cầy thì thì trên biển cũng vậy, ngư dân nếu muốn chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng cũng cần được giao biển để có không gian sản xuất. Nuôi công nghiệp dành cho doanh nghiệp, nuôi quy mô hộ gia đình kết hợp với làm du lịch thì tận dụng các khu bảo tồn biển. Đây được coi là hướng đi khả quan trong việc chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng cho ngư dân ở nhiều nơi.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV