Rửa tiền gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Hoạt động rửa tiền trái pháp luật ngày càng diễn ra tinh vi và phức tạp hơn trong bối cảnh khoa học công nghệ và nền kinh tế số phát triển. Do đó, việc hoàn thiện một hành lang pháp lý vững chắc để ngăn chặn hành vi rửa tiền trái pháp luật rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trải qua gần một thập kỷ, pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã có những bước tiến trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 của Việt Nam cũng dần bộc lộc những hạn chế và thiếu sót.

Do đó, đã đến lúc pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền cần có sự thay đổi, chỉnh sửa kịp thời để điều chỉnh những hoạt động rửa tiền trái pháp luật đang diễn ra ngày càng tinh vi trong nền kinh tế số nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực cho nền kinh tế quốc gia, mối quan hệ đầu tư quốc tế, cũng như giảm bớt tình hình tội phạm về rửa tiền.

Theo ThS. Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) và Bạch Ngọc Vân (Trợ lý pháp lý, Công ty Luật TNHH PwC Việt Nam), đã đến lúc pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền cần thay đổi, chỉnh sửa kịp thời để điều chỉnh những hoạt động rửa tiền trái pháp luật ngày càng tinh vi trong nền kinh tế số nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực cho nền kinh tế quốc gia.

Hai tác giả góp bàn, để khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập nêu trên nhằm góp phần nâng cao hiệu quả về phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh nền kinh tế số dưới khía cạnh pháp lý thì đòi hỏi cần phải xem xét, nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau:

Trước nhất, cần hoàn thiện quy định về phạm vi áp dụng của Luật Phòng, chống rửa tiền theo hướng bao quát hơn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền theo hướng bao quát tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội có thể diễn ra hoạt động rửa tiền như lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, luật sư, kế toán, công chứng, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo… Điều này là cần thiết bởi hiện nay hoạt động rửa tiền có thể thực hiện qua nhiều kênh, nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần chỉ trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, do tại thời điểm xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, nước ta vẫn chưa có quy định pháp luật về phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố nên để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống tài trợ khủng bố, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 đã quy định hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Vì vậy, điều khoản về phạm vi điều chỉnh và báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố tại Luật Phòng, chống rửa tiền cần được loại bỏ.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền. Tài sản ảo nói chung và tiền ảo nói riêng được sử dụng ngày càng phổ biến và rộng rãi, loại hình tài sản này đã sớm trở thành một phương thức rửa tiền mà các đối tượng hướng tới. Do đó, pháp luật về phòng, chống rửa tiền của nước ta cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện dưới dạng các phương thức này.

Cụ thể, cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào điểm đ của khoản 3, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện. Mục đích của việc bổ sung này là để đưa các đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Thêm nữa, cần bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Điều này là cần thiết bởi lẽ nếu chỉ dừng lại ở việc được xem là một tình tiết tăng nặng như theo quy định hiện nay thì chưa đủ sức để ngăn chặn, răn đe các hành vi phạm tội. Vì vậy, việc quy định rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự là điều quan trọng, điều này sẽ tạo được hành làng pháp lý vững chắc để xác định và xử lý nghiêm các hành vi phạm tội của các chủ thể. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu dân sự, bao gồm cả việc tịch thu các tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế để tạo thêm tính răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi rửa tiền bất hợp pháp.
 
Cuối cùng, để đảm bảo về hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, Chính phủ cần có quy định hướng dẫn cụ thể về phạm vi nội dung thông tin được phép trao đổi. Ngoài ra, nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần luật hóa trách nhiệm của nhân viên tổ chức tín dụng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Nhân viên của tổ chức tín dụng vô ý hay cố ý tiếp tay cho hành vi rửa tiền qua tổ chức tín dụng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nguyễn Hằng, Thanh Bình, Anh Dũng