Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa tổ chức Hội thảo "Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán".
Được biết, trong thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp các ngành và địa phương hai lần tổ chức khảo sát toàn quốc về tình hình liên quan đến đối tượng và nạn nhân của mua bán người. Qua đó phân tích, đánh giá, đưa ra nhiều nhận định mang tính đặc trưng nổi bật về nạn nhân bị mua bán. Đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; những thuận lợi, khó khăn bất cập, vướng mắc cũng như đề ra các chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân.
Từ các khảo sát, đánh giá trên cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt, trong đó có việc xác minh, xác định, giải cứu, hồi hương nạn nhân.
Do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, ảnh hưởng của quan niệm và định kiến xã hội, nạn nhân bị mua bán và cả người thân của họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, không tiếp xúc, chia sẻ với người khác. Nhiều trường hợp chỉ tìm đến chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền khi vụ việc được phát hiện hoặc đã trở nên nghiêm trọng, vì vậy việc xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân rất khó khăn…
Từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 8.112 nạn nhân thông qua các phương thức như: thực hiện các dịch vụ hỗ trợ để nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tại trung tâm, nhà tạm lánh cho nạn nhân; hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa, tái hòa nhập cộng đồng xã, phường, thị trấn; hỗ trợ thông qua các mô hình do các dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật…
Thực tế cũng đã và đang cho thấy những khó khăn trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về khi chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập với cộng đồng chưa huy động được nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, nhất là ở cộng đồng nơi họ sinh sống. Một số cơ sở bảo trợ xã hội có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân chưa được bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế… để bảo đảm thực hiện hỗ trợ nạn nhân theo quy định.
Bên cạnh đó, các tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các vụ việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng là nạn nhân bị mua bán; việc phát hiện và chuyển nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán còn hạn chế.
Do đó, từ nhiều năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành “Quy định và hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận thì còn nhiều bất cập như: cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này; sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ…
Từ những bất cập đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiến hành khảo sát, đánh giá về tình hình di cư lao động tại các địa phương, phân tích các vấn đề và nguy cơ liên quan, khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình di cư của họ… Đồng thời, phối hợp xây dựng "Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người" dành cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp.
Chuyên gia bình đẳng giới Nguyễn Thị Thúy cho biết, đây sẽ là cuốn cẩm nang giúp cán bộ Hội Phụ nữ cấp cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng cụ thể như: quy định pháp luật về bảo vệ, hướng dẫn các nguyên tắc hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân…