Hội nghị nhằm tạo diễn đàn quốc tế để người đứng đầu cơ quan Viện Kiểm sát, Viện Công tố các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc trực tiếp gặp gỡ trao đổi, thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị song phương và đa phương.

khaimac.png

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, từ năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nước thành viên để cùng xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. 

Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã triển khai nhiều cơ chế hợp tác, bao gồm hội nghị cấp cao thường niên và các hội nghị hợp tác chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định này.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Trong đó, Việt Nam xác định, quan hệ với các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu.

Từ năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Trong 28 năm qua, với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm” tại các cơ chế đa phương, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Hiệp hội, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết trên ba trụ cột an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; duy trì sự đoàn kết, thống nhất nội khối, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các nước thành viên để cùng xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Trung Quốc là đối tác đặc biệt quan trọng của Việt Nam và ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kiểm sát, công tố.

Qua gần 20 năm, với 12 kỳ hội nghị đã được tổ chức, Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN-Trung Quốc đã chứng minh được giá trị tích cực, là diễn đàn quan trọng để những người đứng đầu cơ quan viện kiểm sát, viện công tố trong khu vực gặp gỡ trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác và chung tay giải quyết những thách thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ mang đến những tiện ích to lớn cho con người, nhưng sự phát triển ấy cũng là môi trường để phát sinh một số loại tội phạm mới, như: lợi dụng công nghệ thông tin, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, đánh cắp thông tin cá nhân, phát tán mã độc, tấn công mạng máy tính của Chính phủ và doanh nghiệp... xảy ra ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng lớn, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng nguy hiểm, hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội và an ninh của mỗi quốc gia.

Một trong những thách thức hiện nay là sự gia tăng của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao... Việc phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này không còn là vấn đề của riêng mỗi quốc gia mà cần thiết phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật của các nước, trong đó có các Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước. Việc kịp thời giao lưu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia là mối quan tâm chung của các nền tư pháp trên thế giới.

Trung Vũ