Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là một trong ba chợ đầu mối lớn của TPHCM. Đây là nơi tập trung các mặt hàng nông sản rau củ, trái cây từ các tỉnh đổ về phân phối cho các chợ nhỏ lẻ trong thành phố. Tổng lượng hàng nhập chợ 7 tháng đầu năm 2024 là 531.233 tấn, lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm là 2.494 tấn.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ban quản lý chợ đã phối hợp với hợp với Đội 2 - Sở An toàn thực phẩm TPHCM thực hiện kiểm tra về hồ sơ pháp lý thực hiện an toàn thực phẩm của 636 điểm kinh doanh tại chợ, đồng thời tiến hành lấy 10 mẫu rau củ quả gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả tất cả đều đạt yêu cầu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong mức giới hạn cho phép.
Trong 10 mẫu được gửi đi kiểm nghiệm đa phần đều là các mặt hàng trọng yếu, có số lượng tiêu thụ nhiều như các loại rau ăn lá, bầu, bí, cà chua, bơ, nhãn, hành, tỏi,...
Tuy nhiên, trong buổi khảo sát công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cùng các sở ban ngành đã ghi nhận một số trường hợp tiểu thương chưa xuất trình tại chỗ được đầy đủ hoá đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng rau củ, quả…
Cùng với đó, một số mã QR trên nhiều hàng hoá sản phẩm cũng không có giá trị thông tin. Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch TP Thủ Đức - kiến nghị cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin, có phần mềm quản lý các sạp hàng.
Về vấn đề vệ sinh môi trường, chợ đầu mối Thủ Đức đã vận động không cho sơ chế hàng hóa trong nhà lồng chợ, hạn chế lượng rác thải đến 40% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã đặt nhiều vấn đề về hạ tầng của chợ đầu mối xuống cấp, cần đảm bảo cơ sở hạ tầng, có môi trường phù hợp để bảo quản nông sản tốt nhất. Vấn đề vệ sinh môi trường chợ, xử lý nước thải còn chưa tốt, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhiều mặt hàng lạ được đoàn kiểm tra rà soát.
Theo ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức, việc xử lý hành vi dùng chất cấm trong sơ chế, chế biến thực phẩm gặp rất nhiều hạn chế vì hàng hóa đa phần là rau củ quả (xả bào, rau chuối bào, rau muống bào) có thời gian lưu hành ngắn. Thời gian từ khi lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm đến khi có kết quả, lượng hàng hóa niêm phong sẽ bị hư hại, chủ lô hàng bỏ hàng chuyển nơi kinh doanh khác. Công tác lưu giữ hàng niêm phong cũng gặp khó khăn.
Qua buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM, đề nghị Sở An toàn thực phẩm và Sở Công thương tăng cường lực lượng kiểm soát nguồn hàng vào - ra để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm và thuế. Đồng thời, mỗi mặt hàng, quầy sạp đều phải ghi chép sổ sách đầy đủ để chứng minh được nguồn gốc sản phẩm. Tiểu thương chợ lẻ khi đến mua hàng cũng phải có sổ sách ghi chép đã mua của quầy nào để truy xuất nguồn gốc.
Hiện, chợ đầu mối Thủ Đức hiện không có đội an toàn thực phẩm riêng mà chỉ có tổ an toàn thực phẩm của Đội 2. Do đó, ông Cao Thanh Bình cũng đề nghị Sở An toàn thực phẩm xem xét để tăng cường thêm lực lượng tại chợ đầu mối Thủ Đức.
Để chợ truyền thống ngày một văn minh hiện đại, giữ an toàn cho các bữa ăn gia đình cần sự chung tay của tất cả cơ quan chức năng, sở ban ngành. Do đó, Ban Quản lý ATTP TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo TPHCM các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhất là các khu chợ đầu mối.