Với đường biên giới dài 231,74 km, tiếp giáp khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và 02 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị, Đồng Đăng), 01 cửa khẩu chính, 09 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - thương mại. Đồng thời là cầu nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa quan trọng giữa các tỉnh trong nội địa Việt Nam với Trung Quốc.

Tuy nhiên, do đường biên giới dài, có hàng trăm đường mòn, lối mở, các nhóm tội phạm đã chọn Lạng Sơn là nơi trung chuyển mua bán người và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái phép.

{keywords}
Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn tích cực tuyên truyền phòng, chống mua bán người. 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 138), đa số các nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng hoặc không có nghề nghiệp ổn định, thiếu thông tin và kiến thức để cảnh giác, phòng ngừa. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng bởi các đối tượng “cò mồi” và trở thành nạn nhân của mua bán người.

Các nhóm tội phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và bán, người môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia với nhiều hành vi được che giấu dưới nhiều hình thức.

Nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu là làm vợ (thực chất là nô lệ tình dục), mại dâm, bị cưỡng bức lao động, lấy nội tạng, đẻ thuê, bán bào thai... Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà có cả nam giới, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng.

Thực hiện chương trình công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2021, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn tổ chức tọa đàm phòng, chống mua bán người, công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc.

Tham gia toạ đàm có 50 đại biểu đại diện một số ban, ngành huyện Cao Lộc; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và các chi hội trưởng cùng một số nhân dân địa phương.

Nội dung toạ đàm xoay quanh thảo luận, thông tin về tình hình tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 tại địa phương; vai trò của hội phụ nữ các cấp trong tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; hiệu quả hoạt động các mô hình, câu lạc bộ truyền thông phòng chống mua bán người của các cấp hội; công tác phối hợp giữa các ngành trong phòng, chống mua bán người; tác động của công tác tuyên truyền, các đề án, phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai đối với công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về…

Đoàn khảo sát đã tiến hành phỏng vấn theo bảng hỏi, phỏng vấn sâu 150 người tại hai xã Hồng Phong, Phú Xá (huyện Cao Lộc) liên quan đến công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Kết quả thu được từ các hoạt động sẽ cung cấp căn cứ để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói chung, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn nói riêng đánh giá lại hoạt động của các cấp hội trong tham gia công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua và xây dựng giải pháp trong thời gian tới.

Minh Phúc