Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm, thế giới mất khoảng 1.000 tỉ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là khó tránh khỏi, thậm chí là một quốc gia có nguy cơ khá cao, do nền kinh tế đang phát triển đi đôi với quy mô sử dụng tiền mặt; cơ chế phòng, chống rửa tiền còn những hạn chế, đặc biệt đối với các biện pháp phạt tiền và thu hồi tài sản phạm tội… Hơn nữa, trong bối cảnh thể chế chưa hoàn thiện và nền kinh tế vẫn còn giao dịch tiền mặt như ở nước ta, tham nhũng và tài trợ khủng bố dưới hình thức nhận tiền và gắn với rửa tiền cũng có nhiều cơ hội ẩn náu và hoành hành.
Bởi vậy, trước nhất cần tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bộ Công an, NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố chủ động tổng hợp, cập nhật và cung cấp các thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; kết quả điều tra, xử lí tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố theo đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đáp ứng yêu cầu công tác đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam và các yêu cầu quốc tế Việt Nam đã cam kết thực hiện đảm bảo kịp thời, chính xác.
Phối hợp cùng các cơ quan báo chí tăng cung cấp thông tin cho nhân dân và doanh nghiệp: Chính sách pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; nguy cơ, diễn biến, tình hình các vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền và tài trợ khủng bố; thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; các vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền và tài trợ khủng bố; các tiến triển, yêu cầu, khuyến nghị của tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thành lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lí các thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố; công bố rộng rãi thông tin về đường dây nóng trên các phương tiện thông tin, báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh để nhân dân được biết.
NHNN làm tốt công tác thu thập, xử lí, phân tích thông tin về giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố; chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc khi có cơ sở hợp lí nghi ngờ giao dịch được nêu trong báo cáo liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống khủng bố.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần thường xuyên rà soát, trao đổi các vụ việc, các cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch tài chính nghi vấn liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố; cung cấp các thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lí vụ việc đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật; chỉ đạo đơn vị đầu mối, đơn vị nghiệp vụ được giao trực tiếp tiếp nhận, xử lí vụ việc, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển giao vụ việc thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhanh chóng rà soát, xác minh, thu thập thông tin về vụ việc được chuyển giao; thường xuyên trao đổi diễn biến, tình hình xử lí vụ việc với đơn vị nghiệp vụ chuyển giao vụ việc thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đối với các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền, tội phạm tài trợ khủng bố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin theo quy định của pháp luật.