Trước tình trạng hoạt động rửa tiền ngày càng tăng quy mô, đa dạng hình thức và mở rộng phạm vi, nhiều cơ quan chức năng quốc gia và quốc tế ngày càng tăng cường chống rửa tiền gắn với chống các loại tội phạm và nạn tham nhũng.
Tăng năng lực phòng, chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham nhũng, không thể tách rời với cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái, diễn biến và tự diễn biến trong nội bộ Đảng và bộ máy quản lí nhà nước. Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống rửa tiền gắn với cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng ngày càng được Việt Nam coi trọng thực hiện thông qua các công cụ luật pháp, xây dựng và triển khai các chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng và các giải pháp đồng bộ khác.
Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 09 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF.
Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 13/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, ngày 15/11/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 14/2022/QH15 về phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lí tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023.
Ngày 05/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 941/QĐ-TTg) nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong APG; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, tội phạm rửa tiền cũng được nhận diện và truy tố, xét xử theo Bộ luật Hình sự kể từ năm 1999, sửa đổi năm 2009; 2015 và 2017. Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giữa các cơ quan chức năng liên quan cũng được tăng cường cả theo chiều dọc và theo chiều ngang.
Cụ thể, theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 08/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, thì hoạt động phối hợp phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, hiệu quả.
Về nguyên tắc, phải đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong quá trình hoạt động; đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, kí kết trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đúng nội dung, hiệu quả và tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp phục vụ công tác nghiệp vụ và công tác tố tụng khi đủ điều kiện.
Các hình thức phối hợp có thể được thực hiện như sau: Công văn, thư điện tử, điện thoại, fax; tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành. Hình thức phối hợp được lựa chọn phù hợp với nội dung, điều kiện phối hợp cụ thể.
Nội dung phối hợp trong công tác phòng ngừa tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố gồm: Trao đổi và cung cấp thông tin về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; tuyên truyền về phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố; kiểm tra, giám sát các tổ chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Nội dung phối hợp trong công tác đấu tranh chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, gồm: Trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố; thành lập “đường dây nóng” để tiếp nhận, xử lí thông tin khẩn cấp về tài trợ khủng bố.
Các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng... thành lập và triển khai hoạt động nghiêm túc, hiệu quả các đoàn kiểm tra, giám sát các cấp và liên ngành các đối tượng báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi, lĩnh vực quản lí tại địa phương. Việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành có thể lồng ghép hoặc phối hợp với các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành khác có liên quan do tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì.
Đặc biệt, cần căn cứ vào yêu cầu kiểm tra, giám sát để cử các thành viên phù hợp, đảm bảo thực hiện hiệu quả.