Điểm sáng nhờ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP của nền kinh tế nước ta tính đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Riêng trong quý IV/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm giai đoạn 2020 - 2022.

ngân hàng.jpg
Chính sách tiền tệ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.

Tổng cục Thống kê cho rằng: Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. 

Theo cơ quan thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Thứ hai, khu vực I tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế đang tích cực đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa gặt hái được nhiều kết quả tích cực tạo nên tăng trưởng ổn định trong thời gian qua.

Thứ ba, khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế…

Thứ tư, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại.

Thứ năm, Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ sáu, lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: Đạt được kết quả nêu trên, tôi cho rằng có sự tác động từ những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, vì vậy nền kinh tế đã có những dầu hiệu phục hồi. Lạm phát cơ bản đã giảm.

Sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với diễn biến kinh tế thế giới. Hiện nay, nhu cầu tín dụng cho sản xuất thấp cho tới khi xuất khẩu khởi sắc trở lại; kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng nhanh. Đây là những thách thức đã và sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024.

Tổng cục Thống kê cho rằng: Năm 2024 dự báo chính sách tiền tệ tuy có chút dư địa được nới lỏng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ có dấu hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm 2024 nhưng mức độ giảm không lớn do lạm phát vẫn tiềm ẩn, vì vậy chính sách tiền tệ trong nước vẫn nhạy cảm, hơn nữa, lãi suất hiện nay ở mức khá thấp, khó giảm thêm  cho đến giai đoạn giữa hoặc cuối năm 2024. Theo đó, chính sách tài khóa với thúc đẩy đầu tư công, sử dụng thuế, phí để hỗ trợ tổng cầu, từ đó thúc đẩy tổng cung nền kinh tế vẫn là giải pháp trọng tâm 2024.

Đầu tư công vẫn luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sự thuận tiện trong lưu thông, đẩy mạnh liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ.

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Việc giảm thuế GTGT có phạm vi tác động rất lớn bởi hầu hết đối tượng đều có lợi: doanh nghiệp bán được hàng do chi phí đầu vào giảm, từ đó giảm giá bán, người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thấp hơn trước. Trong trường hợp 6 tháng cuối năm 2024 nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần duy trì hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng, có thể cân nhắc tiếp tục việc giảm thuế GTGT này đến hết năm 2024. Tuy nhiên, giảm thuế GTGT cũng sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của NSNN bởi đây đã và vẫn đang là nguồn thu lớn nhất của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh thu NSNN đang ngày càng khó khăn thì cũng cần phải cân nhắc kỹ việc giảm thuế GTGT.

Theo TS Phạm Thế Anh, điểm sáng của nền kinh tế hiện nay là sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp và xây dựng, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo. Cùng với đó, đầu tư công đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng. Sản xuất và phân phối điện được cải thiện nhờ thời tiết.

Mặc dù lạm phát cơ bản đã giảm, nhưng tốc độ giảm chậm, cần chú ý lạm phát tổng thể có dấu hiệu tăng trở lại do giá nhiên liệu, giá điện, giá nước, giá lương thực tăng, tỷ giá tăng và do bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị.

"Do đó, xu hướng chính sách sắp tới là tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng, nhưng phải cẩn trọng hơn với lạm phát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần, trong khi chính sách tài khóa có thể được tận dụng để hỗ trợ kinh tế hồi phục", PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.