Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình thế khó khăn này do có yếu tố “đột biến” nên mang tính tạm thời. Dù âm, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ.
GDP tăng trưởng âm giúp nhận diện đúng thực lực và tình thế
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 1,42%. Trong đó, GDP quý 3 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (từ năm 2000).
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, làm nhiều địa phương - trọng điểm kinh tế của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sự suy giảm tăng trưởng là điều không thể tránh khỏi.
Trong tình thế 2 năm vật lộn với đại dịch, lại thêm cú “sốc” biến thể Delta khi tình trạng đứt chuỗi cung ứng gây tác động tiêu cực còn mạnh hơn, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP dương, dù thấp xa mong đợi, đối với một nền kinh tế có độ mở cửa cao, lệ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, vẫn là một kết quả có giá trị khích lệ.
Tuy nhiên, cần đặc biệt quan tâm đến giá trị cảnh báo của sự sụt giảm mạnh đột ngột của tốc độ tăng trưởng. Dù có thể nêu ra hàng loạt lý do khách quan hợp lý để giải thích, điều cần chú ý nhất vẫn là khía cạnh chủ quan: Sự yếu kém thực lực, khả năng điều hành và quản trị quá trình chuyển đổi không đủ tốt là nguyên nhân dẫn tới chỗ chỉ cần gặp một biến cố mang tính sốc đủ mạnh thì nền kinh tế đã dễ dàng lâm vào tình thế lao dốc.
Ý thức và nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp là rất quan trọng |
Cho đến hết quý 2, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng lạc quan (5,6%). Vậy mà chỉ cần một biến thể Delta xâm nhập, tăng trưởng quý 3 đã bất ngờ đảo chiều mạnh mẽ. Nên lưu ý rằng trên thế giới, nhiều nền kinh tế cũng vướng biến thể Delta này nhưng hầu như không nền kinh tế nào bị đảo ngược tăng trưởng mạnh như Việt Nam.
Nhận định như vậy là cơ sở để rút ra những bài học theo hướng tích cực, trên cơ sở nó chỉ báo thực trạng và các “tọa độ” có vấn đề của nền kinh tế.
Để có phản ứng chính sách tốt, ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, phải nhìn thấu thực trạng đó, nhận diện đúng và rõ điểm yếu của các yếu tố, các khâu cơ bản liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường như một hệ thống liền mạch quốc gia chứ không phải như một tổng số rời rạc của mấy chục nền kinh tế “sứ quân”, đến sức khỏe của doanh nghiệp (DN), nhất là khu vực DN Việt.
Những điểm yếu chí tử của nền kinh tế thị trường, vốn tồn tại trong các mạch lưu thông nguồn lực của nó - hàng hóa, lao động, tiền và vốn… đã bộc lộ rõ và được nhận diện. Giờ đây, vấn đề là đổi mới cơ chế, chính sách để nền kinh tế vượt qua các điểm nghẽn đó sớm và hiệu quả nhất có thể.
"Tôi nghĩ Chính phủ đang tư duy và định hướng chính sách theo cách này. Đó chính là dấu hiệu cho một xu thế tích cực sẽ đến, sau một 'bước lùi' mang tính cảnh báo mạnh mẽ đúng nghĩa vừa qua.
Tôi đánh giá cao sự ‘vật lộn’ của Chính phủ khi đồng hành cùng DN chống chịu với Covid-19 trong suốt quãng thời gian khó khăn đặc biệt vừa qua nhưng chúng ta cũng phải mổ xẻ, nhìn nhận cho hết khó khăn để có giải pháp. Nhận diện rõ khó khăn không phải để tiêu cực, gây mất lòng tin mà để tìm ra những chính sách phù hợp nhất”, ông Thiên cho biết.
Theo ông, tình thế khó khăn này là do yếu tố mang tính đột biến gây ra nên tính tạm thời cao. Mặc dù vậy, vẫn nên lưu ý đến khả năng kéo dài của nó vì sức khỏe của nền kinh tế, của các DN đã và đang bị suy yếu. Do đó, cần nghĩ đến một quá trình phục hồi dần dần, khó có thể trỗi dậy ngay và nhanh được. Bên cạnh đó, đừng quên rằng hiện nay, chúng ta vẫn có những cơ sở cho sự phục hồi. Vấn đề là phải biết khơi dậy chúng và tạo sức cộng hưởng.
Đầu tiên, đó là cách chống dịch ngày càng đúng đang từng bước được khẳng định; kết quả chống dịch ngày càng khả quan, tạo lòng tin vững chắc hơn. Chính phủ đang khởi động lại quá trình mở cửa nền kinh tế một cách tích cực nhưng đủ thận trọng. Những yếu tố đó góp phần tạo niềm tin, củng cố động cơ để DN tích cực phục hồi mạnh hơn.
Sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4, nhiều cửa hàng quyết định giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm để trả mặt bằng kinh doanh |
Thứ hai, ý thức và nỗ lực phục hồi của DN là rất quan trọng. Chính ý thức này giúp DN chủ động và tích cực nhận diện được điểm yếu, làm rõ được tình thế nó đang đối mặt và triển vọng đang chờ đợi phía trước. Đây chính là cơ sở để xác định đúng yêu cầu, tìm kiếm và lựa chọn đúng hệ giải pháp ưu tiên để sử dụng và phát huy tốt nhất nguồn lực phục hồi đang khan hiếm hiện nay.
Một điểm tựa tăng trưởng nữa đang được Chính phủ tích cực phát huy, theo ông Thiên, chính là khu vực đầu tư nước ngoài - khu vực vẫn giữ được sức tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Lâu nay, liên kết và lan tỏa phát triển giữa khu vực nước ngoài và trong nước rất yếu. Bối cảnh hiện nay cần được xem là cơ hội để các DN Việt Nam tiếp cận mạnh hơn với DN nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng của họ và “nương sức” tiến lên.
Một tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Xu hướng này đang tích cực lên, song còn xa mới trở thành một động lực phục hồi kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả như nó có thể.
Theo ông Thiên, đây là kênh “tiếp máu” cho cơ thể kinh tế đang suy yếu một cách nhanh chóng và hiệu quả bậc nhất. Tuy nhiên, do bị rối trong hàng trăm, hàng ngàn thủ tục, quy trình của cơ chế “xin - cho”, không thể một sớm, một chiều mà gỡ ngay được mớ bòng bong đó. Chính phủ đã nhận diện rõ vấn đề này và đã xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên.
Thủ tướng lập ra tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá. Việc đẩy mạnh nỗ lực này không chỉ là cơ hội thúc đẩy đầu tư công giúp phục hồi kinh tế sớm mà quan trọng hơn, còn giúp phát hiện tính bất hợp lý của cơ chế và toàn bộ quy trình đầu tư công rắc rối, phức tạp hiện nay; trên cơ sở đó, tìm cách cải cách, đổi mới thực chất nó nhanh nhất và ít tổn thất nhất.
“Việc tháo gỡ nhanh, thủ tục tốt cho DN cũng tạo ra sức mạnh to lớn, chứ không chỉ là việc bơm vốn”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ngoài 3 yếu tố “bơm máu” trực tiếp để phục hồi nền kinh tế như trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đều đang quyết tâm cao, với tinh thần là hỗ trợ DN tốt nhất. Chưa bao giờ khu vực tư nhân lại nhận được sự đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ như hiện nay. Niềm tin của DN đặt vào các giải pháp của Chính phủ, của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được nâng cao khi tới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp mới, có thể còn mạnh mẽ hơn.
Ông Thiên cho rằng để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện sức khỏe DN suy giảm mạnh, để các DN có thể đứng dậy được chứ không phải “lom khom hồi phục”, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh hơn nữa. Đây là lúc “đúng lúc” nhất ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ DN, để “cứu” nền kinh tế, thực chất cũng là cứu mình. Nếu không, nền kinh tế sẽ cứ khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ.
Những điểm mới, theo ông là rất quan trọng, trong đó, có những điểm “nghịch lý” “nhờ” dịch Covid giúp phát hiện ra. Điểm thứ nhất, liên kết vùng xưa nay vẫn mang nặng tính hình thức, ít thực chất, thì hiện nay, lại trỗi dậy như một vấn đề sống còn của nền kinh tế, mặc dù đây vốn là “chân lý sống sơ đẳng” của nền kinh tế thị trường.
Điểm thứ hai, cách tiếp cận phát triển nền kinh tế “vật thể” trên nền tảng kinh tế số, nhờ quá trình số hóa đang được đẩy mạnh. Quá trình này giúp DN giảm đáng kể chi phí hoạt động, thúc đẩy tiếp cận một hệ thống quản trị hiện đại và hiệu quả. Chính sách khuyến khích của Chính phủ đối với các DN khởi nghiệp sáng tạo, DN “kinh doanh số” được tăng cường hơn sẽ làm cho nền kinh tế chuyển hướng tích cực hơn.
GDP tăng trưởng âm giúp nhận diện đúng thực lực và tình thế |
Ông Thiên chỉ ra một thực tế là những nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề của Covid-19 trong năm ngoái, năm nay phục hồi mạnh, điển hình nhất là Mỹ, Trung Quốc và EU, đều là những nền kinh tế biết tập trung ưu tiên phát triển cao độ cho khu vực kinh tế số - công nghệ cao, tức là phần cấu trúc hiện đại của nền kinh tế.
Việt Nam đã ý thức sớm về vấn đề này, song nỗ lực thực tiễn cho cách phát triển này chưa mạnh. Có thể đó là một lý do quan trọng giải thích tại sao nền kinh tế nước ta không thoát khỏi nền tảng truyền thống để bứt lên như nhiều nền kinh tế khác, mặc dù năm 2020, Việt Nam được coi là một mẫu hình tăng trưởng tốt.
"Lấy độc trị độc”
Với tính khó lường của dịch bệnh, cùng những cơ sở nền tảng trên, PGS.TS Trần Đình Thiên dự báo GDP năm 2021 sẽ ở mức 3-4%, đồng thời khuyến nghị một số chính sách trong thời gian tới.
Theo đó, cần tiếp tục những giải pháp cơ bản để bảo vệ 3 nguyên tắc bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt.
Thứ nhất, để bảo đảm lưu thông hàng hóa, tức là lưu thông các nguồn lực vật thể, bảo đảm “lương thực” cho cơ thể kinh tế, phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ.
Đã đến lúc các địa phương phải nhận thức cho đúng bản chất dịch bệnh để thoát khỏi tâm lý sợ hãi quá mức, đẻ ra tinh thần “an toàn địa phương cục bộ” quá đà, xung đột gay gắt với yêu cầu vận hành không bị chia cắt hành chính của nền kinh tế thị trường. Trong một nền kinh tế vận hành còn bị phụ thuộc nhiều vào nguyên tắc “quản lý hành chính - địa phương”, đây vẫn là một nguy cơ hiện hữu, không thể coi thường.
Thứ hai, những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả lâu nay nên tiếp tục được duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.
Sức lực của các DN hiện đã suy yếu hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Để vực chúng dậy, rõ ràng cần sự hỗ trợ mạnh hơn gấp bội và phải thật nhanh chóng để bảo đảm tính kịp thời. Sự hỗ trợ đó cũng cần tính đến một quãng thời gian phục hồi thích đáng sau dịch thì các DN mới có thể trở lại trạng thái bình thường, chưa nói là “bình thường mới”.
Nhưng ông Thiên cũng lưu ý rằng, ưu đãi, hỗ trợ DN là quan trọng nhất trong lúc này, song phải tính đến yêu cầu giữ cho được “sức khỏe ngân sách tối thiểu”, không được gây tổn hại quá mức đến sức mạnh ngân sách. Bộ Tài chính phải tính toán được cân đối này để đề xuất giải pháp phù hợp cho Chính phủ.
Đối với người lao động, chỉ xét với tư cách là lực lượng quan trọng hàng đầu trong việc tiêu thụ sản phẩm cho DN, họ cũng cần được hỗ trợ mạnh mẽ |
Tương tự, hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn hạ lãi suất để hỗ trợ DN. Hạ bao nhiêu để không đổ gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng là điều phải tuyệt đối cân nhắc. Đã đến lúc Chính phủ phải tính đến việc lập Quỹ hỗ trợ lãi suất và Quỹ bảo lãnh tín dụng, phối hợp với hệ thống ngân hàng hỗ trợ hiệu quả hơn cho DN.
Đối với người lao động, chỉ xét với tư cách là lực lượng quan trọng hàng đầu trong việc tiêu thụ sản phẩm cho DN, họ cũng cần được hỗ trợ mạnh mẽ. Việc làm và thu nhập của họ bị suy giảm mạnh, thậm chí suy kiệt, trong thời gian qua. Chưa nói đến khía cạnh an sinh, ổn định chính trị - xã hội, nếu không vực được sức cầu của khu vực này, sẽ không thể phục hồi kinh tế.
Vừa qua, Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH đã tích cực đưa ra các gói hỗ trợ, cứu trợ, song vấn đề lớn nằm ở tổ chức thực thi, để tiền đến tay người lao động; đồng thời phải có định hướng ưu tiên mang tính trọng điểm rõ ràng hơn.
Liên quan đến tiền tệ, đến khả năng tiếp cận vốn mới của DN, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng từ nay, đây sẽ là câu chuyện gay gắt nhất cho quá trình phục hồi nền kinh tế.
Lúc này dòng tiền ở nhiều DN đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”.
Trong tình thế kinh tế khó khăn, các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các DN này vay vốn. Nguy cơ DN không gượng dậy được vì thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế.
“Tất nhiên là cần thận trọng. Song bây giờ là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước, tức là nhà nước bảo lãnh cho DN vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay.
Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro đến mức nào thì phải tính toán, có tiêu chuẩn rõ ràng, căn cứ vào chính khả năng phục hồi của DN nhờ khoản vay đó, với sự bảo đảm của các quy định luật pháp phù hợp. Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải biết 'lấy độc trị độc' thì nền kinh tế mới 'giải độc' được”, PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất.
Ngoài ra, cần tích cực mở cửa nền kinh tế vì hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, do đó không nên lo sợ quá mức. Chúng ta thận trọng nhưng cũng cần tích cực. Đơn cử, việc thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc, nếu các quy định khắt khe quá thì sẽ không ai đến.
Thời điểm hiện nay rất cần lãnh đạo các địa phương đối thoại, họp bàn với các DN, hiệp hội DN để tìm ra vấn đề, các giải pháp thiết yếu không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà còn cho cả đất nước. Chính phủ cũng cần tận dụng các nguồn này để đưa ra chính sách gần với thực tiễn.
Lan Anh
Nguyên Phó Thủ tướng: Sức mạnh quốc gia tùy thuộc khả năng chống chọi dịch bệnh
Sức mạnh của các quốc gia sẽ chuyển dịch mạnh hơn tùy theo khả năng chống chọi và khắc phục hậu quả dịch bệnh gây ra, cũng như năng lực hóa giải hệ lụy của cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.